Fica
  1. Bất động sản

Cấm cho thuê căn hộ chung cư theo giờ: Chuyên gia nói gì?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhiều chuyên gia cho rằng, để kích cầu du lịch thời hậu Covid-19, Bộ Xây dựng nên nới lỏng việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày.

Đã có luật cấm cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày

Mới đây, cử tri TP. HCM kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, pháp luật về nhà ở đã có quy định chi tiết với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Cấm cho thuê căn hộ chung cư theo giờ: Chuyên gia nói gì? - 1

Theo Bộ Xây dựng, pháp luật đã có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày. Ảnh minh họa: Quân Đỗ

Cụ thể, Luật Nhà ở 2014 quy định, nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư;...

Theo Bộ Xây dựng, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, trong thời gian vừa qua Bộ này đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư nhằm đảm bảo cho nhà chung cư được an toàn trong quá trình sử dụng.

Pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Cấm hay nới lỏng?

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cho biết, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng cấm hoặc hạn chế việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày.

Ví dụ, như Thái Lan coi hình thức này là bất hợp pháp, Singapore thì hạn chế, Đài Loan tăng mức phạt nếu việc cho thuê phát sinh ra các vấn đề vi phạm pháp luật,....

Dù vậy, theo ông Tuấn, việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày cũng mang lại một số lợi ích nhất định, trong đó, ngành du lịch được hưởng lợi nhiều nhất.

Cụ thể, hình thức cho thuê này sẽ làm tăng cơ sở lưu trú, giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn về chỗ ở để tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm, khi các cơ sở lưu trú vượt quá công suất, các căn hộ cho thuê sẽ là giải pháp tốt để thu hút tối đa số lượng du khách.

Chủ nhà cũng có thể tạo ra thu nhập từ việc cho thuê nhà, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu quản lý tốt việc cho thuê, Việt Nam sẽ thu về một lượng ngoại tệ lớn, Nhà nước cũng có thể thu thuế từ việc làm này.

“Một số quan điểm lo ngại, việc nới lỏng việc cấm căn hộ cho thuê theo giờ, ngắn ngày có thể dẫn đến hiện tượng đổ vỡ của ngành khách sạn, cũng giống như cách Grab, hay Uber “khai tử” ngành taxi. Song, hai hình thức có phân khúc khách hàng không giống nhau, nên khó có chuyện khách sạn truyền thống bị thất thế trên thị trường”, ông Tuấn nói.

Cấm cho thuê căn hộ chung cư theo giờ: Chuyên gia nói gì? - 2

Nhiều chuyên gia cho rằng, để kích cầu du lịch thời hậu Covid-19, Bộ Xây dựng nên nới lỏng việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam không phản đối việc Bộ Xây dựng cấm căn hộ cho thuê theo giờ ngắn ngày.

Theo ông Đính, hầu hết, các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao...

“Căn hộ được pháp luật Việt Nam quy định là sản phẩm để ở và không có chức năng kinh doanh. Nếu chủ nhà cố tình cho thuê ngắn ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ra các vấn đề xấu tới môi trường hoặc ảnh hưởng tới hộ dân sống xung quanh”, ông Đính nói.

Tuy nhiên, ông Đính kiến nghị Bộ nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

“Khó khăn nhất chính là công tác quản lý. Nếu muốn nới lỏng quy định, bắt buộc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và chính quyền cấp phường/ xã. Đồng thời, chủ nhà cũng phải “thành thật” khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Đính thẳng thắn chia sẻ.

Việt Vũ