Chính vì thế, đón Tết Tân Sửu 2021, hầu hết đều cảm thấy không mấy vui vẻ khi trong năm có đến 2/3 thời gian là ngồi chơi xơi nước với nhiều kỷ niệm đáng quên.
Ám ảnh bởi dịch Covid-19
Thời điểm sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, khiến cả nền kinh tế chậm lại, có những ngành lao đao, trong đó có thị trường bất động sản. Dịch kéo dài đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 tạm kết thúc, nhưng đã khiến thị trường chững lại trông thấy.
Các chuyên gia đều chung nhận định, dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền bởi việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn liên tục và nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.
Rơi vào hoàn ảnh khó khăn đó, anh Nguyễn Văn Hùng, môi giới làm cho một công ty bất động sản phân phối các dự án lớn ở Hà Nội, cũng không có việc làm trong 4 tháng đầu năm 2020, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, anh đành chuyển sang bán hàng online.
Chưa kịp hồi lại sau hai lần bùng dịch, thời điểm cận Tết năm nay, dịch lại bùng phát, khiến công ty của anh Hùng phải cho nhân viên nghỉ sớm để tiết kiệm các chi phí văn phòng.
"Tôi chưa bao giờ thấy nghề môi giới lại khó khăn như thời gian vừa qua. Đến giờ, dịch lại bùng và lan rộng, đúng là khó khăn này chưa qua mà khó khăn khác đã tới. Cả mấy tháng nay không có đồng thu nào rồi. Cứ tưởng năm 2021, mọi chuyện sẽ khá lên nhưng ngay từ đầu năm đã không có dấu hiệu khả quan nào. Kiểu này khi qua mùa dịch, có khi phải chuyển nghề khác mà làm thôi", anh Hùng than thở.
Anh Trần Văn Kiên, nhân viên môi giới của sàn giao dịch bất động sản ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, dịch bệnh năm 2020 đã "quét sạch" thành quả trước đó của anh. Tính bỏ nghề, nhưng do gắn bó lâu rồi nên anh quyết định tiếp tục "bám trụ". Trong khi đó, một số đồng nghiệp của anh đã quyết định bỏ nghề chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác hoặc xin vào các siêu thị làm thu ngân, bán hàng online…
Đến hiện tại, dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng hơn những lần trước, giới chuyên gia dự báo thị trường bất động sản lại chịu ảnh hưởng sau một thời gian phục hồi. Điển hình tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương…, thị trường như "ngừng thở". Nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch đã buộc phải nghỉ Tết sớm, thậm chí còn lo ngại kỳ nghỉ Tết năm nay sẽ còn dài hơn năm trước.
Giới chuyên gia nhìn nhận, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Bất động sản, xây dựng cũng nằm trong nhóm ngành nghề gặp nhiều khó khăn cần hỗ trợ. Chưa bao giờ thị trường bất động sản lại trải qua những thời khắc khó khăn và nổi chìm trong nhiều cung bậc như năm 2020.
Ảnh minh họa
Do dịch bệnh nên một số doanh nghiệp có nguồn tài chính mỏng đã không có nguồn thu để trả lương cho người lao động và thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn cho Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng, những doanh nghiệp có thể tích lũy vốn thì cũng không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay khó khăn trên thị trường bất động sản còn kéo dài trong 2021 bởi những vấn đề về pháp lý, về tín dụng, về an toàn dòng vốn...
"Vướng mắc về pháp lý không dễ được giải quyết ngay, tín dụng cho bất động sản thì ngày càng thắt chặt, việc tiếp cận đất đai ngày càng hạn chế... sẽ khiến thị trường ngày càng khó khăn, suy giảm, do đó doanh nghiệp phải cẩn trọng. Tuy nhiên, khó khăn này sẽ khác với năm 2009 - 2010. Thời điểm đó, hàng hóa nhiều nhưng không có người mua, doanh nghiệp không có tiền, tồn kho lớn, dư nợ lên tới hơn 200.000 tỷ đồng, giờ giảm xuống chỉ còn hơn 20.000 tỷ đồng.
Khó khăn hiện nay là khủng hoảng từ thừa hàng giai đoạn trước chuyển sang thiếu hụt nguồn hàng, trong khi sức mua đang lớn, sự chú ý của dân, dòng tiền hướng vào thị trường bất động sản rất nhiều", ông Nam cho biết.
Hội Môi giới bất động sản, cho hay tính đến hết tháng 11/2020 có tới 1.272 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 117% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia đều chung nhận định, dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền bởi việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn liên tục và nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.
Xa vời chuyện thưởng Tết
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay, trong suốt gần 3 quý đầu của năm, việc triển khai, mở bán, ra mắt dự án… của nhiều doanh nghiệp bất động sản phải dừng, hoãn hoặc thậm chí đóng cửa. Dịch bệnh cũng khiến nguồn tài chính của khách hàng khó khăn hơn. Tiền mặt được tập trung để phục vụ những nhu cầu thiết yếu.
Việc hạn chế tập trung đông người, di chuyển qua lại… đều ảnh hưởng đến sức mua bất động sản. Cùng đó, nhiều nhân viên bán hàng trong lĩnh vực này thất nghiệp hoặc phải chuyển nghề.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp…
Trao đổi với tác giả, một số lãnh đạo doanh nghiệp không ngần ngại chia sẻ rằng, việc thưởng Tết năm nay chắc chắn là không có hoặc chỉ mang tính chất tượng trưng, khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Bởi lẽ, bước sang năm 2020, cảnh "chợ chiều" chưa dứt thì thị trường đón nhận thêm cơn bão mang tên Covid-19. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành nghề chứ không chỉ riêng đối với bất động sản, nhưng điều này có nghĩa túi tiền của người dân đã mỏng hơn và họ khoan nghĩ đến việc chi tiêu các món lớn như mua nhà khiến thanh khoản thị trường nhỏ giọt.
Đơn cử như câu chuyện của Công ty Địa ốc Đức Linh, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty chia sẻ rằng, đến giờ Ban lãnh đạo vẫn chưa có kế hoạch nhưng thưởng tết năm nay chắc sẽ giảm mạnh so với các năm trước do năm 2020 kinh doanh không được, doanh nghiệp này còn phải trả bớt mặt bằng để tiết kiệm chi phí.
"Hiện tại, Công ty vẫn đang cố bán những sản phẩm còn lại để ghi nhận doanh thu, nên phải chờ xem tình hình kinh doanh từ giờ đến cuối tháng có biến chuyển gì không thì mới quyết định được con số thưởng Tết. Tuy nhiên, chắc chắn là mức thưởng năm nay chỉ gọi là, mang tính khích lệ, chứ không cao như mọi năm", bà Linh nói.
Theo bà Linh, năm 2020 là một năm thật sự khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản và mỗi nhân viên nên xác định, còn giữ được việc làm đã là rất tốt, riêng đối với Công ty Đức Linh cũng là một năm có nhiều nốt trầm khi từ hàng chục nhân viên ở thời điểm đầu năm, đến cuối năm chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 người. Doanh thu cũng từ đó "tụt dốc không phanh" khiến Công ty phải cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa nhiều văn phòng ở khu vực trung tâm để chuyển về vùng ven.
"Năm qua, thị trường bất động sản xảy ra quá trình sàng lọc rất mạnh đối với nhân viên kinh doanh. Ngay tại công ty tôi, trong tháng 7, đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 đã có 70% nhân viên nhận quyết định nghỉ việc, vì vậy, dù quà Tết chỉ là tượng trưng nhưng mọi người cũng động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn", bà Linh chia sẻ.
Thưởng tết dường như là câu chuyện "vượt quá sức" của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Có chăng, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng đã thực hiện việc thưởng Tết bằng hình thức "vốn tự có". Quà Tết của doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng không phải là nhà, đất, căn hộ mà đó là voucher nghỉ dưỡng tại các dự án do doanh nghiệp làm chủ.
Theo đó, nhân viên xuất sắc sẽ được nhận "voucher" nghỉ dưỡng đến các dự án do doanh nghiệp làm chủ trong 3 ngày 2 đêm khiến nhiều nhân viên dường như phải "cười mếu" khi sắp nhận thưởng Tết kiểu này.
Theo Tuệ Linh
VnEconomy