Ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", làm giá để lừa đảo
Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, năm vừa qua đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản.
Đồng thời đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm.
Bộ cũng cho biết đã có những đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", "làm giá" để lừa đảo, trục lợi và triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản .
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Đề án "An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội"; Đề án Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025.
Bất động sản là một trong lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền "tấn công". Ảnh: Đỗ Quân
Theo nhận xét của Bộ Xây dựng, năm 2020, nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế về mức thu nhập, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, bất động sản trong năm 2020 có điểm tích cực là không rơi vào trạng thái "trầm lắng", "đóng băng" toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.
Nỗi lo rửa tiền qua bất động sản
Những năm qua, nhiều vụ sử dụng hàng chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng mua bất động sản với mục đích rửa tiền bị phát hiện. Bất động sản là một trong lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền "tấn công".
Bộ Xây dựng đã có Thông tư hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Theo báo cáo, Bộ Xây dựng thực hiện đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Một số quy định được đưa ra làm rõ dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản như: Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng, hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng.
Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo; các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước…
Năm 2019, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Nguyễn Khánh