Fica
  1. Bất động sản

Bộ Xây dựng: Giá nhà ở không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ Xây dựng đánh giá, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại.

Thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại.

Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi tới Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, dự kiến bắt đầu từ 22/10 cho thấy, thị trường bất động sản năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 nhìn chung phát triển khá ổn định. Giá nhà ở trong không có nhiều biến động lớn, một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ.

Tuy nhiên, sau 3 năm tăng trưởng liên tục (từ 2013 đến 2016) thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản hoạt động bình thường, giá cả không có biến động so với cùng kỳ năm 2017; tồn kho tiếp tục giảm mạnh.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, (đến hết tháng 20/8/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỷ đồng), chủ yếu tồn kho tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ và còn thiếu các dịch vụ thiết yếu nên không bán được hàng.

Trong khi đó, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TPHCM còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng; trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.

Đáng lưu ý, theo báo cáo, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân theo cách đánh giá chung hiện nay là giá nhà ở là vừa phải nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.

"Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị ...để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường", Bộ Xây dựng cho biết.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực;

"Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Hệ thống thông tin về tình hình thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản", Bộ Xây dựng cho hay.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết, từ cuối tháng 12 năm 2016 đến nay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết), việc triển khai chương trình nhà ở xã hội đã bị ách tắc. Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (206 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2), số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có.

Phương Dung

Tin liên quan