Tại cuộc gặp mặt báo chí chiều nay (16/6), đại diện Bộ Xây dựng cho biết ngành bất động sản gặp một số khó khăn khiến nguồn cung khan hiếm tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm đạt thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm...
Để tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản (BĐS), đại diện Bộ Xây dựng đã đề cập tới hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường này phát triển.
Trong đó, về giải pháp dài hạn, Bộ Xây dựng cho biết cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để đảm bào sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 16/6.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen kẹt, mở rộng hình thức cho vay vốn tại ngân hàng nước ngoài để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trước mắt, khi chưa sửa Luật đất đai thì theo Bộ Xây dựng cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định thi hành Luật đất đai năm 2013 để xử lý các diện tích đất công xen kẹt trong dự án đầu tư bất động sản, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, cho phép các dự án đang thực hiện thủ tục nhận bàn giao đất mà doanh nghiệp diện được giãn, chậm nộp tiền sử dụng đất để có thể triển khai dự án.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết đang nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT).
Về phía doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp để tự tháo gỡ khó khăn cho mình.
Cụ thể như việc chủ động tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tinh giản bộ máy nhân sự, cho phép nhân viên được làm việc tại nhà hoặc làm việc luân phiên, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, để giảm quỹ lương, chi phí phát sinh như điện nước, đi lại, chi phí quảng cáo, PR sản phẩm…
Đồng thời tái cơ cấu lại sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá thấp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở, nhất là xã hội. Thực hiện giảm giá bán, giá thuê bất động sản, giãn việc nộp tiền thuê của khách hàng, giảm chi tiêu lợi nhuận để thu hồi vốn.
Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp bất động sản khác để có thêm nguồn vốn đầu tư, hạn chế vay vốn lớn để tránh tình trạng phát sinh chi phí lãi vay cao, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác để giảm các khoản nợ vay ngân hàng.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cung cấp cho thấy, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2019), thị trường bất động sản đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, lượng giao dịch giảm hơn 40%, nguồn cung giảm 10% so với năm 2018.
Đặc biệt trong các tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm, lượng giao dịch giảm 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Sang đến năm 2020, thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt dưới sự tác động của Covid-19. Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung thị trường giảm do một số dự án bị tạm dừng, đình hoãn từ các năm trước, đến nay vẫn chưa hoàn tất việc rà soát các thủ tục pháp lý hoặc do chủ đầu tư thiếu vốn để đầu tư.
Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong quý đầu năm 2020 cũng thấp, chỉ đạt khoảng 14% thấp nhất trong vòng 4 năm, lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với cuối quý 4 năm 2019.
Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp cho thấy, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng sụt mạnh. Trong quý I/2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4.
Lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao tới 94,1 so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa lên tới 80%, chỉ còn khoảng 200 sàn hoạt động cầm chừng.
Nguyễn Mạnh