Fica
  1. Bất động sản

Bộ Xây dựng cảnh báo cò đất thổi giá ăn chênh đút túi tiền tỷ

Theo Bộ Xây dựng, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng, mở rộng đô thị... đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Đây là đánh giá được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trên thị trường bất động sản hiện nay trong đó có tình trạng đầu cơ thổi giá gây nên tình trạng sốt ảo thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Giá đất “đu” theo dự án còn trên giấy

Trên thực tế, việc “cò đất” thổi giá tạo sốt ảo đã diễn ra trong nhiều năm qua. Ngay trong báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, năm 2018, tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính xảy ra tại một số địa phương dự kiến thành lập đặc khu (Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản trong đó chỉ rõ Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để tiếp diễn tình trạng cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cảnh báo cò đất thổi giá ăn chênh đút túi tiền tỷ - 1

"Chợ bất động sản" nhộn nhịp xuất hiện giữa mùa dịch Covid-19 ở xã Đồng Trúc những ngày cuối tháng 3 vừa qua.

Năm 2019, theo Bộ Xây dựng có xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại một số địa phương, tình trạng xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý được thực hiện giao dịch, mua bán. Tình trạng này tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng là nguy cơ gây bất ổn đối với thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

Sang đầu năm 2020, thị trường tiếp tục tái hiện một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi.

Cụ thể, vào giữa tháng 2, sau khi xuất hiện thông tin UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho một tập đoàn lớn nghiên cứu làm dự án bất động sản hơn 800 ha tại xã Ba Bình thì khu vực này bắt đầu náo loạn khi hàng ngàn người kéo xuống đây mua bán đất suốt ngày đêm, bất kể đất trồng cây lâu năm hay đất ao cá cũng được mua.

Người dân khu vực xã Ba Bình (huyện Châu Đức) cho biết, giá đất khi chưa có thông tin đầu tư làm dự án thì cao nhất là 100 triệu đồng/m ngang. Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin nói trên, nhiều "cò đất" đã thổi lên thành 200 – 300 triệu đồng/m ngang. Nhiều khu đất còn được định giá lên đến 500 triệu/m ngang.

Lợi dụng thông tin này, môi giới cùng nhau đẩy giá khiến giá đất tại Châu Đức tăng theo giờ khiến người mua không có thời gian để trả giá. Những giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ.

Khi chính quyền có những biện pháp mạnh tay, dựng bảng cảnh cáo tại các khu vực sốt đất, cò đất cũng tháo chạy sau khoảng 15 ngày” làm dậy sóng “sốt đất” ở xã Bình Ba.

Hay tại Hà Nội, vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng từ thông tin thông tin một tập đoàn bất động sản lớn sắp triển khai dự án, nhiều môi giới nhà đầu tư ùn ùn kéo nhau về khu vực thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (gần Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Dù mới chỉ là thông tin đề xuất của doanh nghiệp, dự án còn chưa nằm trên giấy, "cò đất" đua nhau thổi giá lên gấp 2, thậm chí là 3 lần. Được biết, khu đất này được giao cho dân từ hơn chục năm trước, giá 1m2 đất ở đây chỉ 4 - 8 triệu/m2 nhưng không ai mua nhưng sau vài ngày đã được đẩy lên đến 12 - 15 triệu, thậm chí 18 - 21 triệu/m2.

Bộ Xây dựng cảnh báo cò đất thổi giá ăn chênh đút túi tiền tỷ - 2

Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Đây là cơn “sốt” đất gây bất ngờ nhất trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khi thị trường bất động sản đang một màu ảm đạm tại tất cả các phân khúc, bao gồm cả đất nền.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, khi chính quyền công an vào cuộc hàng loạt các cảnh báo được dán khắp nơi, UBND xã Đồng Trúc cũng thông báo hiện nay chưa có quy hoạch khu đô thị nào được duyệt tại xã Đồng Trúc giá đất lập tức lao dốc.

Cần đưa vào chế tài hình sự?

Nhận định về thị trường, Bộ Xây dựng cho rằng, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Từ thực tế trên, Bộ này cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản.

Trong khi đó, đánh giá từ góc độ pháp luật, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý, do vậy, cần phải xây dựng những tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Theo vị luật sư này, những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

“Đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, luật sư Tú nhấn mạnh.

Theo Thuận Phong

VietnamNet