Các dự án bất động sản tại hai thành phố lớn nhất nước đang dịch chuyển mạnh mẽ ra ngoại thành |
Hà Nội trầm lắng, TPHCM giảm nhiệt
Báo cáo chuyên đề về thị trường bất động sản của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, bức tranh bất động sản tại hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TPHCM tỏ ra khác biệt trong hai quý đầu năm.
Trong khi trong quý 1, thị trường TPHCM khởi sắc, với tỷ lệ giao dịch căn hộ thành công là 9.200 căn, tăng 26% so với cùng kì năm ngoái, thì thị trường Hà Nội là 6.600 căn, giảm 19% so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, sang quý 2, sự thay đổi diễn ra. Trong khi thị trường TPHCM có 7.055 căn hộ giao dịch thành công, giảm 26% so với cùng kì thì thị trường Hà Nội có khoảng 5.900 giao dịch căn hộ thành công, tiếp tục giảm 22% so với cùng kì năm ngoái.
Tại Hà Nội có tổng cộng 6.534 căn hộ chung cư mới được chào bán từ 19 dự án, chủ yếu ở khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố, chiếm lần lượt 53% và 25% lượng căn mở bán mới trong quý – theo báo cáo CBRE.
Về doanh số bán hàng, ghi nhận của CBRE cho thấy, đã có 5.900 căn hộ được bán trong quý II/2018, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thời điểm các chủ đầu tư đang tập trung rà soát lại các sản phẩm hiện tại để chuẩn bị ra mắt vào cuối năm và cũng để thị trường điều tiết và hấp thụ các sản phẩm chưa bán hết ở các quý trước đây.
Điều đáng chú ý, dù tổng lượng mở bán mới của quý 2 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng ở phân khúc căn hộ cao cấp sau khoảng thời gian tương đối trầm lắng đã bắt đầu sôi động trở lại với 3 dự án mới nằm tại vị trí đắc địa, bao gồm D'Eldorado 2, Starlake và Vinhomes WestPoint. Các sản phẩm chung cư cao cấp chiếm tới 37% tổng nguồn mở bán mới, tăng mạnh 15% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng dịch ra ngoại thành
Cùng với việc mở rộng thành phố Hà Nội về phía Tây, các địa điểm trong các khu vực này đã trở thành một nguồn cung cấp dự án chính. Các địa điểm này chiếm 78% nguồn cung cấp được đưa ra tại Hà Nội trong thời gian qua.
Về phía chủ đầu tư, tập đoàn Vingroup được đánh giá là nhà phát triển chủ động nhất vì dự kiến sẽ triển khai bốn dự án khu dân cư quy mô lớn trên toàn thành phố Hà Nội trong nửa cuối năm 2018, gồm có VinCity Gia Lâm, VinCity Park, Vinhomes Galaxy và Vinhomes Sài Đồng.
Trong khi đó, tại TPHCM, trong thời điểm quý 2, thị trường có sự giảm nhiệt ở cả nguồn cung và cầu. Điều này thể hiện ở một số các yếu tố đã tác động đến thị trường trong thời điểm quý 2, ví dụ như Nghị định 23 năm 2018 của Chính phủ, quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với toàn bộ tài sản cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, hay tiếp tục là các vấn đề liên quan đến tính pháp lý xây dựng các dự án bất động sản. Đây là một số nguyên nhân chính tác động lên nguồn cung bất động sản trong thời gian vừa qua.
Chính phủ đã có Nghị quyết số 80 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của TPHCM đến năm 2020, theo đó một số chỉ tiêu sử dụng đất sẽ có những bước phát triển nhảy vọt khi cho phép chuyển hơn 26.000 ha đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp.
Gần đây, HĐND TPHCM cũng thông qua tờ trình của UBND TPHCM về Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2016 – 2025, trong đó nổi bật nhất là việc hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại các khu vực quận trung tâm và khuyến khích việc dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành.
Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý phê duyệt 'Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050'. Theo đó, sẽ quy hoạch thành các tiểu vùng trong đó TPHCM là đô thị hạt nhân. Theo quy hoạch, phạm vi vùng thành phố bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang.
Theo VDSC, điều này sẽ tác động lớn đến sự phát triển bất động sản TPHCM trong thời gian sắp tới, khi xu hướng dịch chuyển dần ra khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Mai Chi