Fica
  1. Bất động sản

Bất động sản “ngấm đòn”, hàng trăm sàn phải đóng cửa vì khó khăn

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết ước tính có khoảng 300 sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động vì khó khăn.

Bất động sản “ngấm đòn”, hàng trăm sàn phải đóng cửa vì khó khăn - 1

Khoảng 300 sàn bất động sản phải đóng cửa vì khó khăn. Ảnh: N.Mạnh.

Môi giới bất động sản chịu tác động “kép”

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết những con số khá sốc về thị trường bất động sản hiện nay.

Với tác động “kép" từ chính những khó khăn mang tính nội tại của thị trường bất động sản năm vừa qua cùng với cú “bồi” từ dịch Covid-19 đã khiến khoảng 300 sàn giao dịch bất động sản buộc phải đóng cửa.

Ông Đính cho biết, đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, mang tính chất tương đối nhưng cũng phản ánh được sự khó khăn thị trường bất động sản là rất lớn thời điểm này.

Chưa kể theo vị này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang phải hoạt động cầm chừng, tạm dừng một phần để gồng mình lên chống tác động từ dịch Covid-19 và loạt những khó khăn khác.

“Đây là số liệu tổng hợp từ văn phòng các vùng miền gửi về. Chúng tôi chưa cho đây là thống kê tuyệt đối chính xác. Nhưng nếu ở Đà Nẵng, Nha Trang… thời điểm này thì hầu hết đóng cửa. Chủ yếu còn lại các sàn còn hàng chưa bán phải cố bán nốt. Những đơn vị không có hàng thì không thể duy trì mà nuôi nhân viên được", ông Đính chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp môi giới thời Covid-19.

Ông Đính cho biết, bất động sản không giống như hàng tiêu dùng có thể đặt mua dễ dàng được. Muốn bán được hàng, nhân viên môi giới bất động sản phải tư vấn rất cặn kẽ từ tài chính, chất lượng sản phẩm cùng các vấn đề như hạ tầng, tiện ích… Việc giao dịch chủ yếu phải tiến hành trực tiếp, không thể sơ sài qua điện thoại được. Trong khi đó, tại thời điểm dịch bệnh với những diễn biến phức tạp như hiện này, việc bán bất động sản cực khó.

“Khách hàng tâm lý ngại đến chỗ đông, ngại tiếp xúc với người lạ. Quan tâm đến chuyện dịch bệnh ra sao, người nhà họ có bị không, nhu cầu thực phẩm thiết yếu. Rất nhiều yếu tố chi phối họ lúc này. Còn các sản phẩm như ô tô, trang sức, nhà cửa, đất đai… không phải là ưu tiên hàng đầu", ông Đính nói.

Kinh tế suy thoái, bất động sản “ngấm đòn”

Năm 2019, ông Đính với tư cách là lãnh đạo Hội môi giới Việt Nam nhiều lần lên tiếng kiến nghị gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản.

Vị này cho rằng, thị trường đang khủng hoảng nguồn cung. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.

Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

Sang năm 2020, với công văn 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Nghị định 25 mới được ban hành, ông Đính cho rằng đây thị trường đã có những động lực tốt nhưng chưa kịp phát huy, lan toả thì “gặp ngay" đại dịch Covid-19.

“Bất động sản đang phải chịu tác động kép. Bên cạnh việc tháo gỡ nút thắt khó khăn bấy lâu nay, thị trường muốn hồi phục được phải trông chờ vào việc kiểm soát dịch bệnh", ông Đính nói.

Ông Đính cho biết, năm 2019 lực cầu rất tốt, nhu cầu về nhà ở, đầu tư kinh doanh do dòng vốn vào Việt Nam cao, thu nhập bình quân đầu người gia tăng...

“Tôi không ghĩ rằng lực cầu rất tốt này có thể mất đi trong một chốc một lát được. Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Giờ việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư…”, ông Đính tin tưởng rằng khi từng vấn đề được giải quyết thị trường bất động sản sẽ hồi phục.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và cung ứng nhiều loại hình sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở.

Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản như con chim báo bão, nếu bị khủng hoảng sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế. Nhưng đồng thời thị trường này cũng như “con chim én báo mùa xuân về”, khi thị trường bất động sản hồi phục sẽ kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế, có tính lan tỏa rất lớn.

Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của thành phố, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản từ năm 2018. Trong 2 năm 2018-2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Năm 2019, chỉ có 04 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 07 dự án được chấp thuận đầu tư mới; ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hàng loạt doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm.

Ngoại trừ một số “ông lớn" đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 07% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan