Fica
  1. Bất động sản

“Bất động sản đâu phải dễ xơi, cứ nhảy vào là có tiền đút túi”

Chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam cho rằng, không phải cứ “nhảy” vào kinh doanh bất động sản là “có tiền đút túi”.

Bất động sản thê thảm quý đầu năm

Nhiều ý kiến cho rằng bất động sản là ngành “siêu” lợi nhuận. Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri về tình hình quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng đây là ngành có lợi nhuận cao, nhanh chóng.

Mặc dù lợi nhuận cao nhưng bất động sản cũng giống như mọi ngành nghề khác, không phải ai cũng có thể thành công khi bước chân vào.

“Bất động sản đâu phải dễ xơi, cứ nhảy vào là có tiền đút túi” - 1

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, khi bước chân vào thị trường này có tới hơn 80% thất bại, chỉ có số ít còn lại là thành công. Ảnh: N.M

Chia sẻ tại hội thảo “Phá băng bất động sản và cơ hội bứt phá” diễn ra tuần qua, chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam nhấn mạnh, bất động sản không phải “miếng bánh dễ xơi”.

Thậm chí theo vị này, những người kinh doanh bất động sản khi bước chân vào thị trường có tới hơn 80% thất bại, chỉ có số ít còn lại là thành công.

“Đây là nghề lắm sự khắc nghiệt. Làm nghề này phải chuẩn bị tư thế chứ không phải cứ nhảy vào bất động sản là lúc nào cũng kiếm được tiền vào túi”, vị chủ tịch doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.

Cũng theo vị này, ở Việt Nam, một doanh nghiệp không có chuyên gia pháp lý, không có giám đốc pháp lý là “nguy hiểm”, “hỏng bét” bởi những khó khăn về thủ tục, pháp lý.

Tại hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS hồi tháng 2/2020 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, một lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết bản thân ông rất khổ sở khi dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành rồi cuối cùng vẫn không xong.

Thậm chí, có những dự án doanh nghiệp theo đuổi 12 năm, phải trải qua 5 “đời” chủ tịch tỉnh mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Bởi một số hộ đến nay vẫn chưa thống nhất về giá đền bù. Trong khi đó, hệ số đền bù thì mỗi tỉnh một kiểu.

Bất động sản muốn “giải cứu” bằng chính sách, không xin tiền

Các chuyên gia đều cho rằng thị trường bất động sản thực chất đã có khó khăn từ cuối năm 2019, sau đó lại thêm cú bồi từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp lại càng khó khăn.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.

“Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ”, Bộ Xây dựng cho hay.

Còn về lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020, Bộ Xây dựng cho biết tỷ lệ chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng ngày 29/5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại tiếp tục đề xuất loạt giải pháp “cứu” thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng các doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách.

Trong đó, HoREA đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có phát sinh) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp tái khởi động trở lại hàng trăm dự án bất động sản, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguyễn Mạnh