Fica
  1. Bất động sản

Bắt đầu thanh tra quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản ở Thái Nguyên

Ngày 16/7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên.

Bắt đầu thanh tra quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản ở Thái Nguyên - 1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra (Ảnh: TTCP).

​Theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ từ ngày 1/1/2010 đến hết năm 2018. 

Đoàn thanh tra gồm 10 thành viên do ông Nguyễn Văn Thảo - Phó cục trưởng Cục I - Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn; thời hạn thanh tra là 90 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định).

Thanh tra Chính phủ cũng lập Tổ giám sát đoàn  thanh tra gồm 2 thành viên do ông Hoàng Văn Ngọc - Trưởng phòng Nghiệp vụ I,  Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra - làm tổ trưởng

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ủng hộ, phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo đầy đủ, kịp thời để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.

Về phía đoàn thanh tra, ông Thanh yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thanh tra, có thái độ làm việc minh bạch, lành mạnh có văn hóa.

Tiếp thu ý kiến trên, ông Vũ Hồng Bắc- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan, thủ trưởng các địa phương, sở, ngành phải coi trọng nhiệm vụ này và có kế hoạch làm việc thật khoa học, chất lượng, đảm bảo yêu cầu của đoàn Thanh tra.

Được biết, một trong những vấn đề sẽ được cơ quan thanh tra quan tâm liên quan đến việc xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai) để khai thác vàng sa khoáng mà Dân trí và nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh suốt thời gian qua.

Bắt đầu thanh tra quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản ở Thái Nguyên - 2

Rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã bị xâm hại bao nhiêu ha?

Kết luận kiểm tra số 4615/KL-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long thực hiện mua bán, chuyển nhượng đất và tài sản trên đất của các hộ dân làm khu văn phòng điều hành và công trình phụ trợ; làm khu tái định cư để tái định cư cho nhân dân nhưng chưa làm thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định là chưa đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện quy hoạch tái định cư theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, sau khi báo chí phản ánh và có đơn thư tố cáo chính danh về việc phá rừng đặc dụng để khai thác vàng, nhiều cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc xác minh nhưng số liệu diện tích rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại lại có sự sai khác khá lớn giữa các lần kiểm tra, báo cáo. Chính vì thế đến nay dư luận vẫn chưa rõ, rừng đặc dụng Thần Sa đã bị xâm hại bao nhiêu hecta?

Người dân địa phương cũng có đơn thư gửi cơ quan chức năng phản ánh, bao năm nay phải gồng mình gánh chịu nước thải gây ô nhiễm từ 8 máng tuyển rửa vàng sa khoáng chạy suốt ngày đêm. Nước thải này chạy thẳng ra suối, ngấm vào ruộng đồng khiến người dân không thể lấy nước trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Việc tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty Thăng Long toàn bộ diện tích đất trồng lúa khiến nhiều năm nay nhân dân phải sống trong cảnh phập phồng, bất an chẳng biết khi nào mất ruộng.

Liên quan đến sự việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã 2 lần có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên làm rõ thông tin báo chí phản ánh, cũng như khiếu nại tố cáo của người dân.

Thế Kha