Fica
  1. Bất động sản

“Bánh mì” của đường cao tốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Việc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông - Vận tải) vừa phải đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho phép nghiên cứu, tận dụng nguồn đất từ đào hạ cao độ sân bay Long Thành để thi công Dự án thành phần 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có thể coi là giải pháp sáng tạo, nhưng cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vật liệu cho công trình trọng điểm này.

Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ có 2 mỏ đất đắp thương mại đang khai thác là mỏ Tân Cang 7 và mỏ Núi Nứa, với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m3 là có thể sử dụng được cho Dự án thành phần 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất đắp của riêng Dự án thành phần 2 là 2,5 triệu m3; nhu cầu sử dụng đất đắp của Dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được triển khai tại địa phận tỉnh Đồng Nai là 2,9 triệu m3. Bên cạnh đó, các mỏ đất quy hoạch lại có vị trí xa, không phù hợp hoặc chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiến hành khai thác cho dù nhu cầu về đất đắp đạt tiêu chuẩn cho toàn dự án đang rất cấp thiết. 

Nếu không có bước đột phá lớn về nguồn cung, thì đất đắp - loại vật liệu được đánh giá là “bánh mì” của đường cao tốc sẽ trở thành điểm nghẽn lớn, ảnh hưởng tới tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Không có đất đắp, thì dù các đơn vị thi công có huy động cả ngàn nhân công, hàng trăm thiết bị cũng không thể khiến công trường có thể “sống” được.

Cần phải nói thêm rằng, nguy cơ thiếu vật liệu xây dựng thông thường không chỉ là nỗi ám ánh đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mà thực sự trở thành “cục máu đông” với tất cả dự án đường cao tốc đang triển khai trên toàn quốc, trong đó có Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trong Công điện số 573/CĐ - TTg ngày 21/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự không hài lòng khi Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khởi công từ ngày 1/1/2023, nhưng đến nay tại một số gói thầu vẫn còn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường. Hiện UBND các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 trong tổng số 51 mỏ đã được chủ đầu tư, nhà thầu trình. Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu lại tiếp tục gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực có mỏ khai thác vật liệu xây dựng. Điều này tất yếu ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công dự án.

Cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021- 2025 và một số dự án cao tốc khác thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho phép rút ngắn thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cho dự án. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có thể hoàn thành vào năm 2025.

Đất đắp - loại vật liệu được đánh giá là “bánh mì” của đường cao tốc (Ảnh: Báo đầu tư).

Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều công điện và văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có các văn bản hướng dẫn chi tiết. Song, tại một số địa phương vẫn xuất hiện tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, phó mặc việc tìm nguồn vật liệu cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công cao tốc.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương rốt ráo giải quyết các thủ tục đăng ký khai thác đã được nhà thầu trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đạt mục tiêu, hoàn thành việc giao trực tiếp các mỏ vật liệu cho đơn vị thi công trước ngày 30/6/2023. Các cơ quan quản lý địa phương cũng không nên đặt thêm yêu cầu, điều kiện gây khó khăn cho nhà thầu, chủ đầu tư, đồng hành hỗ trợ các đơn vị liên quan trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường cây cối, hoa màu...

Hơn lúc nào hết, phải dành sự ưu tiên cao nhất, các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”.

Theo Báo Đầu Tư