Ở Hà Nội, nhà không giấy tờ, nhà trong quy hoạch không phải chuyện hiếm. Nhiều hoạt động giao dịch, mua bán vẫn diễn ra hàng ngày.
Song, không phải ai cũng dám mua nhà, đất dạng này. Bởi chỉ cần khu đất đó nằm trong quy hoạch thì có thể bị giải toả. Người mua chỉ được đền bù theo giá đất được Nhà nước quy định, thậm chí có thể mất trắng.
Hiện nay ở Hà Nội, rất nhiều nơi tồn tại nhà đất dạng này như ở phường Khương Trung, Định Công, Q. Hoàng Mai, hay ngoài cửa khẩu. Giá đất không sổ đỏ, khu vực ngoài cửa khẩu năm 2018 - 2019 chỉ dao động khoảng 10 triệu đồng/m2. Nếu muốn làm sổ đỏ, mỗi mét vuông sẽ mất thêm 40 - 50 triệu đồng.
Mua đất thì dễ, nhưng để xây được nhà cao tầng ở khu này không hề đơn giản.
Nhà không giấy tờ tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong vai 1 người mua nhà, PV đã tìm đến khu vực Định Công Hạ để khảo sát thì được biết, khu vực này sẽ sớm giải tỏa. Nhiều nhà đã xây 3 - 4 tầng ở đây cũng sẽ bị lấy để làm công viên, sát cạnh hồ điều hoà.
Do đó, không ít nhà ở đây đang rao bán vội để tránh bị thiệt hại. Bởi theo một chủ nhà ở khu vực Định Công Hạ, phải có quan hệ và mất thêm tiền lót tay mới xây được.
Biết được khu nhà đang nằm trong quy hoạch sắp bị giải toả, người chủ này cũng đang rao bán vội 1 căn hộ 1,5 tầng và 1 miếng đất cùng ngõ với giá 1 - 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi khách đến xem nhà thì chủ nhà tuyệt nhiên không nhắc tới việc nhà đang nằm trong quy hoạch. Thậm chí, người này còn khẳng định nếu mua đất sẽ giúp xây nhà.
Đã mua 1 căn nhà không giấy tờ, chị H (Khương Trung, Hà Nội) mất ăn mất ngủ cả tuần vì lo lắng. Theo đó, trước đây chị H đã mua 1 căn nhà 36m2 tại một ngõ trên đường Bùi Xương Trạch (Hà Nội) với giá 1,26 tỷ đồng.
Nhà chị H mua thuộc dạng không sổ đỏ, chỉ có giấy viết tay và đóng thuế hàng năm. Ngôi nhà này nằm trên đất 5% nên khi bị giải toả thì mức đền bù sẽ rất thấp.
Sau một thời gian ngắn ở đây, chị H đã điều tra được toàn bộ ngõ này nằm trên quy hoạch đường vành đai 2.5 và sẽ sớm bị giải toả để làm đường.
Tìm khách bán nhà, chị H may mắn gặp người mua và hốt được giá 1,3 tỷ đồng, khách đặt cọc ngay 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau, vị khách này gọi điện xin bỏ cọc và từ chối mua nhà.
Lãi không 30 triệu đồng vẫn mất ngủ vì lo lắng.
“Dù nhận được 30 triệu tiền cọc, nhưng tôi không vui vẻ gì, thậm chí mất ngủ cả tuần vì lo lắng. Rất có thể vị khách kia đã tìm hiểu được về quy hoạch ở quanh khu vực này”, chị H cho biết thêm.
Tuy nhiên, may mắn cho chị H, vẫn có người liên lạc để mua lại ngôi nhà này. Lần này, dù bán rẻ hơn nhưng chị H vẫn quyết bán sớm để gỡ vốn, tránh thiệt hại thêm.
Mua nhà không giấy tờ phù hợp với những người có thu nhập thấp nhưng muốn sống ở khu trung tâm của Hà Nội. Song, nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi Hà Nội đang trong thời kỳ chuyển mình, nhiều dự án có thể sẽ được thực hiện trong tương lai gần.
Thế Hưng