Fica
  1. Xe 360

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì "đường lưỡi bò" phi pháp

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Thị trường xe hơi cuối năm chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của xe không thuế từ các nước Thái Lan và Indonesia, còn xe lắp ráp trong nước suy giảm mạnh doanh số. Ở một diễn biến khác, xe Trung Quốc tiếp tục bị người Việt “tẩy chay” vì những trò tuyên truyền phi pháp.

Xe nhập thăng hoa, xe trong nước khủng hoảng doanh số

Mặc dù mùa xe cuối năm đang vào cao điểm song lượng xe bán ra của các hãng trong nước đang giảm. Trong khi đó, xe nhập khẩu tăng phi mã, khiến cuộc đua về nguồn cung xe cuối năm ngày càng khó nắm bắt. 

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì đường lưỡi bò phi pháp - 1

Xe trong nước suy giảm doanh số mạnh mẽ, trong khi xe nhập thăng hoa mạnh mẽ

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính trong tháng 10, có hơn 28.900 chiếc xe được bán ra tại thị trường Việt Nam, trong đó trên 70% là dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Tháng 10, doanh số xe du lịch tăng 2% so với tháng trước.

Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước tiếp tục đà suy giảm khi chỉ bán ra thị trường được 16.406 xe, giảm 3% so với tháng trước. Trong khi đó, số xe nhập khẩu từ nước ngoài là 12.542 xe, tăng 16% so với tháng trước.

Vios “thất sủng”, Xpander trở thành vua doanh số

Doanh số xe hơi tháng 10 theo báo cáo của Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có 10 mẫu xe đắt khách nhất. Trong đó, mẫu xe Mitsubishi Xpander với doanh số 2.600 chiếc đã trở thành "hiện tượng" lạ khi vượt qua “vua doanh số” Toyota Vios hơn 400 chiếc.

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì đường lưỡi bò phi pháp - 2

Xpander lần đầu vượt qua vua doanh số Vios trong tháng 10

Trong danh sách 10 mẫu xe ăn khách nhất tháng 10, có 4 mẫu xe nhập khẩu, 6 mẫu lắp ráp trong nước. Toyota có 3 đại diện là Vios, Fortuner và Innova, Trường Hải và Thành Công đều có hai đại diện, Honda và Ford đều có một đại diện.

Mẫu xe có doanh số cao nhất là Xpander, tháng 10 tiêu thụ được hơn 2.600 chiếc, bỏ xa nhiều đối thủ khác trong phân khúc xe đa dụng MPV và vượt qua cả xe sedan Vios. Giá bán hiện nay của Xpander theo hai phiên bản số sàn, bản thiếu là 550 triệu đồng, số tự động, bản đủ là 620 triệu đồng. Xe 7 chỗ ngồi, dung tích máy là 1.5L, thiết kế bắt mắt và hiện đại.

Mẫu Xpander tháng 10 có doanh số chiếm hơn 50% doanh số xe MPV của cả nước, bỏ xa nhiều đối thủ như Toyota Innova, Kia Sedona, Rondo…

Mẫu xe thứ 2 có doanh số cao nhất là Toyota Vios, tháng 10 tiêu thụ mẫu xe này đạt 2.200 chiếc, kém Xpander khoảng 400 chiếc, giảm nhẹ gần 100 chiếc so với tháng trước.

Xe Indonesia vào Việt Nam có giá dưới 300 triệu đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập Việt Nam trong tháng 10 tăng đột biến, trong đó đáng lưu ý, lượng xe Indonesia đạt hơn 8.000 chiếc, vượt cả xe Thái Lan. Giá xe được các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo cực rẻ, chỉ dưới 300 triệu đồng/chiếc. 

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì đường lưỡi bò phi pháp - 3

Xe nhập tiếp tục được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam, trong khi đó xe trong nước giảm khá mạnh

Lượng xe nhập về Việt Nam tháng qua có khoảng 14.700 chiếc xe từ Thái Lan và Indonesia, trong đó Thái Lan là 6.700 chiếc, trị giá 134 triệu USD; Indonesia là 8.000 chiếc, trị giá hơn 100 triệu USD.

Giá xe bình quân khai báo của Thái Lan hiện vào khoảng 460 triệu đồng/chiếc, trong khi giá xe bình quân của Indonesia do doanh nghiệp khai báo chỉ khoảng 287 triệu đồng/chiếc.

Các loại xe khai báo giá nói trên đã bao gồm giá thuế tiêu thụ đặc biệt, không bao gồm giá thuế nhập khẩu (0%), chưa có các chi phí nội địa như: VAT, đăng ký xe… 

Với mức giá nói trên, xe Indonesia hiện có mức rẻ nhất thị trường. Điều này chứng tỏ các nhà nhập khẩu chủ yếu cho nhập các dòng xe giá rẻ, cỡ nhỏ vào Việt Nam để có lợi thế cạnh tranh như: Toyota Wigo, Avanza hay Mitsubishi Xpander…

Trong tháng 10, lượng xe Indonesia nhập về cũng vượt qua lượng xe từ Thái Lan, đối thủ chính có nhiều dòng xe nhập vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các loại xe từ Indonesia và xe lắp ráp ở Việt Nam.

Xe nội giảm giá mất luôn doanh số

Trái ngược với xu hướng giảm giá để kích cầu tiêu dùng, mua sắm xe hơi, các dòng xe hơi lắp ráp tại Việt Nam đang mất đi doanh số. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tiếp tục đà suy giảm khi chỉ bán ra thị trường được 16.406 xe, giảm 3% so với tháng trước.

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì đường lưỡi bò phi pháp - 4

Xe nội đang có quãng thời gian suy giảm doanh số 3 tháng liên tiếp

Tính đến hết tháng 10/2019, xe trong nước chỉ tiêu thụ được 153.100 chiếc, giảm hơn 21.600 chiếc. Doanh số các dòng xe trong nước sụt giảm tháng 10 là tháng thứ 3 liên tiếp suy giảm với tỷ lệ khoảng 12%.

Hiện, hầu hết các dòng xe của Indonesia và Thái Lan hay các nước khác trong ASEAN đều không chịu thuế nhập khẩu. Chính vì vậy, mức giá xe khai báo của doanh nghiệp không ảnh hưởng đến thu thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi. 

Tuy nhiên, giá xe có ảnh hưởng đến giá tính thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ đối với người sử dụng. Đặc biệt, nguy cơ nhập khẩu xe giá quá rẻ có thể sẽ bị điều tra chống bán phá giá hoặc kiểm soát truy suất nguồn gốc xuất xứ xe hoặc bộ, cụm linh kiện cấu thành các loại xe nhập nói trên.

Người Việt tốn bao nhiêu tiền để nuôi xe hơi?

Ngoài giá tiền mua xe cơ bản đang cao gấp nhiều lần thu nhập của mình, người Việt đã và đang phải trả thêm khá nhiều chi phí thường niên, cố định (trả một lần) để nuôi chiếc xe hơi cho mình hoặc gia đình.

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì đường lưỡi bò phi pháp - 5

Ngoài các chi phí cố định như VAT, phí biển số, người Việt còn phải trả thêm nhiều tiền để cho chỗ đỗ xe, sắp tới là phí vào nội thành các thành phố lớn

Hiện nay, chi phí nặng nhất để sở hữu xe ngoài giá mua từ nhà cung cấp, doanh nghiệp chính là phí trước bạ 10% đến 12% tổng giá trị chiếc xe mua từ đại lý. Tiếp sau phí trước bạ là phí đăng kiểm, biển số, người dân có hộ khẩu Hà Nội sẽ phải trả 20 triệu đồng/xe, còn dân các tỉnh khác là 2 triệu đồng.

Ngoài phí cố định ban đầu, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm các loại phí thường niên, hàng năm như phí đường bộ khoảng 1,6 triệu đồng/năm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự hơn 435.000 đồng/năm; các loại bảo hiểm xe hơi tự nguyện khác (va đụng, cháy nổ…) tuỳ theo giá trị khoảng từ 4 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm.

Như vậy, phí cố định cho người sở hữu xe hơi mỗi năm là 2 triệu đồng tiền phí sử dụng đường bộ, bảo hiểm dân sự; phí trước ba thấp nhất là 30 triệu đồng, trung bình khoảng 60 - 80 triệu đồng và cao nhất có thể đến cả tỷ đồng/chiếc.

Xe Trung Quốc đang bị người dân Việt Nam tẩy chay vì “đường lưỡi bò” phi pháp

Gần đây, nhiều mẫu ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam bị phát hiện cài cắm thông điệp phi pháp của Trung Quốc.

Xe nhập ùn ùn đổ bộ, ô tô Trung Quốc bị tẩy chay vì đường lưỡi bò phi pháp - 6

Xe Trung Quốc đang bị người Việt tẩy chay vì cài cắm đường lưỡi bò phi pháp 

Chủ một showroom ô tô cho biết, ô tô Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ lai rai ở phía bắc còn tại thị trường phía nam, người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với ô tô Trung Quốc nên rất ít đại lý dám kinh doanh. 

Hơn nữa, có lô xe Trung Quốc nhập về bị lỗi phải khắc phục tốn rất nhiều chi phí và còn mất uy tín với khách hàng.

“Sau vụ việc dính bản đồ đường lưỡi bò, thị trường ô tô Trung Quốc tại TP.HCM vốn đã ế càng ế hơn, rất ít khách hỏi mua” - một chủ showroom chia sẻ.

Về phía khách hàng, anh Đình Quân, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM, nói anh và một vài người bạn đã mua ô tô Trung Quốc với giá rẻ hơn các dòng xe cùng phân khúc của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… từ 300 đến 400 triệu đồng. Tuy nhiên, ô tô Trung Quốc hay bị lỗi, phải sửa chữa rất mất thời gian và tốn kém. Đã vậy, khi xe gặp trục trặc rất khó tìm được nơi để bảo hành, sửa chữa hoặc không có phụ tùng.

Đại diện một số công ty cũng cho hay đã tạm ngừng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc. “Chúng tôi đang trao đổi với phía đối tác Trung Quốc để không tích hợp bản đồ có hình lưỡi bò vào những xe xuất khẩu sang Việt Nam hoặc loại bỏ nó để tránh vi phạm, bị tịch thu” - đại diện công ty trên cho hay.

An Linh(Tổng hợp)