Nếu được Chính phủ, Bộ ngành thông qua, người mua xe sẽ hưởng lợi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng khi mua xe hơi. Từ đó sẽ tăng tổng cầu thị trường xe, gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp xe hơi vượt qua thời gian khó khăn.
Hiện nay, các mẫu xe ngoài giá vốn của nhà sản xuất, khi đến tay người tiêu dùng sẽ cộng thêm các chi phí như phí trước bạ (10-12%), thuế giá trị gia tăng (10%), chi phí kinh doanh.
Với đề xuất giảm 50% các loại thuế phí VAT, phí trước bạ, chi phí lăn bánh có thể giảm từ 10-11% so với hiện nay. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng sẽ chỉ còn 5% thay vì 10% như hiện nay, phí trước bạ còn 5% (và riêng Hà Nội sẽ còn 6%) thay vì 10-12% hiện nay.
Như vậy, tính ra, chi phí lăn bánh đối với các mẫu xe thấp nhất thị trường hiện nay là 260 triệu đồng, thuế phí VAT và trước bạ có thể được giảm thấp nhất khoảng 26 triệu đồng, đối với mẫu xe phổ thông có giá bán dưới 700 triệu đồng, mức thuế phí VAT, trước bạ có thể giảm từ 70 triệu đồng.
Đối với các mẫu xe có giá 1 đến 2 tỷ đồng, nếu được giảm thuế VAT, trước bạ, người tiêu dùng được hưởng lợi từ 100 đến 200 triệu đồng. Càng xe có giá trị cao, người tiêu dùng càng được hưởng lợi về chi phí lăn bánh khi sở hữu xe hơi.
Lấy một số mẫu xe để minh chứng cho việc giảm chi phí mua xe của người tiêu dùng Việt Nam, mẫu Vios của Toyota hiện nay có doanh số cao nhất thị trường, giá dao động từ 470 đến 580 triệu đồng/chiếc tùy theo mẫu, biến thể.
Trường hợp đề xuất của VAMA được thông qua, thuế VAT chỉ được tính 5% thay vì 10% như hiện nay. Khi xe đi đăng ký, người tiêu dùng chỉ phải trả 5-6% lệ phí trước bạ/giá trị xe thay vì tính 10-12% như hiện nay.
Tính ra, sau khi trừ 5% VAT đã tính, giá bán xe Vios ở mức thấp nhất 446 triệu đồng, cao nhất là 551 triệu đồng/chiếc. Tính phí trước bạ 5-6%, các mẫu xe Vios đến tay người tiêu dùng cộng thêm từ 22 triệu đồng đến 33 triệu đồng/chiếc. Mức giá lăn bánh chưa bao gồm chi phí biển số sẽ dưới 600 triệu đồng.
Một mẫu xe có doanh số cao là Honda CRV, giá bán đại lý dao động khoảng 1 tỷ đồng, nếu thuế VAT chỉ tính 5%, giá bán đại lý có thể giảm 50 triệu đồng. Cộng với phí trước bạ chỉ tính 5-6%, chi phí người tiêu dùng chỉ bỏ ra thêm từ khoảng 50 triệu đồng, thay vì 100 triệu đồng như trước. Chi phí giảm khoảng 100 triệu đồng cho người tiêu dùng.
Thực tế, hiện các hãng, doanh nghiệp hiện nay đã tính sẵn 10% thuế giá trị gia tăng vào giá bán rồi. Chỉ còn phí trước bạ được tách riêng sau khi người tiêu dùng đi đăng ký xe.
Nếu trường hợp đề xuất trên của VAMA được Chính phủ, Bộ ngành thông qua, cần làm rõ hoặc bóc tách rõ 10% thuế VAT trước giá bán để đảm bảo ưu đãi, giảm giá xe đúng đối tượng, tránh doanh nghiệp được hưởng lợi, nhưng không giảm giá cho người mua xe.
Trên thực tế, việc giảm thuế VAT, phí trước bạ cũng chỉ mang tính chất tạm thời đối với thời điểm hiện nay. Nếu muốn giảm giá xe hơi lâu dài, các giải pháp cần tính đến là miễn, giảm thuế nhập khẩu linh kiện đối với các doanh nghiệp xe hơi. Bên cạnh đó, cần miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh phụ kiện xe hơi sản xuất trong nước, các linh kiện xe hơi nhập khẩu nếu cam kết sản xuất đủ lượng xe tối thiểu.
Các đề xuất giảm thuế nhập linh kiện, giảm, bỏ thuế tiêu thụ linh kiện với phần giá trị gia tăng trong nước đã được Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ô tô lớn đưa lên Chính phủ, Bộ ngành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Hiện ngành xe hơi Việt Nam đang đối mặt với thách thức và khó khăn lớn chưa từng thấy khi tổng cầu giảm, hàng loạt hãng, doanh nghiệp xe hơi suy giảm doanh số bán hàng lẫn khó khăn về nguồn linh kiện để duy trì lắp ráp.
Nguyễn Tuyền