Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu bình quân xe hơi về Việt nam trong tháng 7/2018 là 423 triệu đồng, giảm hơn 75 triệu đồng so với giá xe nhập 498 triệu đồng trong tháng trước; so với tháng 7/2017, giá xe nhập bình quân giảm 67 triệu đồng/chiếc.
Xe nhập: Lượng nhiều, giá giảm mạnh
Mặc dù giá trung bình nhập xe chưa phản ánh đúng giá của từng loại xe nhập bởi có dòng xe cao hơn và có dòng xe thấp hơn. Tuy nhiên, với cách tính trung bình thì xe giá cao sẽ bù trừ cho xe có giá thấp hơn. Điều này minh chứng rằng trong tháng 7/2018 đa có những dòng xe giá rẻ, xe không thuế được nhập về Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2018 lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu về đạt hơn 4.000 chiếc
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong tháng 7/2018, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu về Việt Nam đã đạt hơn 4.000 chiếc, tăng hơn 2.200 chiếc so với tháng 6/2018, tương đương tăng khoảng 127%. So với 6 tháng cả năm, lượng xe con nhập khẩu tháng 7 gần bằng lượng xe nhập của các tháng trên cộng lại.
So với cùng kỳ tháng 7/2017, lượng xe con nhập về Việt Nam chỉ đạt gần 2.000 chiếc, chỉ bằng 50% lượng xe con nhập về được Việt Nam trong tháng 7/2018.
Như vậy, không chỉ có lượng xe nhập tăng mạnh nhất trong 7 tháng qua mà so với cùng kỳ năm trước, lượng xe con về Việt Nam cũng tăng đột biến. Điều này hoàn toàn khác so với thực tế đã diễn ra tại thị trường xe nhập ở Việt Nam thời gian gần đây.
Xe giá rẻ Indonesia lần đầu vượt mặt xe Thái Lan
Lần đầu tiên sau khi được nhập trở lại vào thị trường Việt Nam, xe con từ Indonesia đã vượt mặt các loại xe Thái Lan để chiếm lĩnh ngôi đầu.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập từ Indonesia trong tuần từ 3-9/8 đạt 491 chiếc, trong khi đó xe Thái chỉ đạt hơn 340 chiếc. Tính từ đầu năm 2018 đến nay xe Indonesia nhập vào Việt Nam đạt 1.600 chiếc, trong đó nhiều dòng xe chiến lược là Fortuner, mới đây là dòng xe MPV Mitsubishi Xpander không thuế, giá rẻ để cạnh tranh với Toyota Innova.
Mặc dù vẫn chiếm lượng nhập ít hơn so với các hãng xe có xuất xứ từ Thái Lan, song chỉ với hai tháng quay trở lại thị trường Việt, xe Indonesia đã cải thiện được số lượng nhập khẩu, tập trung vào phân khúc xe không thuế, giá rẻ ở Việt Nam.
Các hãng xe Indonesia cũng tiết lộ tham vọng nhập khẩu một loạt thương hiệu xe hơi vào Việt Nam, trước mắt là là xe nhỏ Wigo để chia thị phần với các hãng liên doanh, trong nước. Sau đó là thương hiệu xe đa dụng Rush cũng của Toyota được dự kiến nhập vào năm 2019.
Doanh số bán xe hơi tụt giảm trước "tháng cô hồn"
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7/2018 lượng xe bán ra trên thị trường đã giảm 9% so với tháng trước.
Doanh số bán xe toàn thị trường suy giảm khiến nhiều dự báo không mấy lạc quan về doanh số bán ra trong tháng 8/2018, thời điểm trùng với tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn - quan niệm dân gian, người ta không mua đồ giá trị lớn như xe hơi, nhà cửa).
Sản lượng xe lắp ráp trong nước giảm 6%, chỉ đạt 18.000 chiếc so với tháng trước, lượng xe nhập tiêu thụ giảm 18%, chỉ đạt 3.300 chiếc.
Đặc biệt, doanh số 2 dòng xe SUV và bán tải (pickup) tháng 7 và 7 tháng đầu năm giảm khá mạnh. Xe SUV giảm hơn 800 chiếc so với cùng kỳ năm trước và hơn 7.000 chiếc so với 7 tháng đầu năm 2017. Xe pickup tháng 7 bán ra giảm trên 1.300 chiếc, 7 tháng đầu năm giảm hơn 7.000 chiếc so với cùng kỳ.
Doanh số bán các dòng xe SUV đã được cảnh báo từ trước đây khi các mẫu xe này tập trung lớn vào các dòng xe giá bán cao, bị tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó giá xe toàn thị trường có xu hướng giảm nhẹ, nhu cầu không cao nên doanh số tập trung vào xe giá rẻ.
Trong khi đó, xe bán tải Pickup giảm chủ yếu do thời gian qua, xe này về Việt Nam bị giảm từ Thái Lan, trong tháng 7 mới được bổ sung thêm Nissan Navara và Mazda BT50.
Xe nhỏ, giá rẻ Việt nằm trong tay đại gia xe Hàn
Mặc dù có tiềm năng thị trường rất lớn do thu nhập bình quân của đại bộ phận người Việt chỉ có thể sở hữu được những xe giá rẻ.
Tuy nhiên, thị trường xe Việt Nam chứng kiến cảnh các ông lớn ngó lơ việc làm xe giá rẻ, chỉ tập trung vào sản xuất các mẫu xe giá phổ thông cao cấp. Việc này được cho là nhằm áp đặt giá đối với người tiêu dùng về thực tế: muốn sở hữu xe thì phải có nhiều tiền.
Với điều kiện thu nhập ở Việt Nam hiện nay, phần lớn người dân chỉ có thể có tiền mua và sở hữu các loại xe tầm giá từ 300 đến gần 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, số nhà cung cấp ít, hầu hết xe giá rẻ là xe thương hiệu toàn cầu, không có xe Việt hóa thương hiệu, phục vụ thị trường riêng. Xe nhỏ, giá rẻ được trang bị nội thất, đa phương tiện nghèo nàn, thậm chí được ví như "thùng tôn di động". Đặc biệt, các xe được xem là "giá rẻ" vẫn chỉ rẻ so với các loại xe ở Việt Nam, còn đối với các nước khác vẫn đắt đỏ.
Tại Việt Nam, hiện xe nhỏ, giá bèo được tập trung trong tay hai ông lớn là Kia và Hyundai đều là hãng xe của Hàn Quốc, được lắp ráp, phân phối tại Việt Nam. Với Kia, mẫu xe giá rẻ nổi bật nhất là hatchback Kia Morning, đây là dòng xe chỉ có một phiên bản hatchback. Trong khi đó, Hyundai có hai sự lựa chọn i10 ở hai phiên bản hatchback và sedan giá rẻ tầm dưới 400 triệu đồng.
Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia nơi có mặt của các hãng xe liên doanh, họ vẫn tung ra các mẫu xe riêng của thị trường nước đó. Như Indonesia, Toyota tung ra mẫu xe giá rẻ Wigo, Etios Valco, Agya... ; tại Thái Lan, thương hiệu xe riêng của Toyota là Aygo hay Honda Jazz.
Malaysia có nhiều thương hiệu xe giá rẻ nội địa bên cạnh các dòng xe giá rẻ của các hãng xe toàn cầu, đơn cử như Proton với nhiều mẫu xe giá rẻ như Iriz hay Persona hay thương hiệu Perodua với mẫu Myvi hay Viva...
An Linh
(Tổng hợp)