Theo số liệu của cơ quan hải quan, tính đến hết tháng 6, lượng xe nhập vào Việt Nam đạt hơn 78.000 chiếc, tăng hơn 37.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2020, ước tỷ lệ khoảng 97,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19, lượng xe nhập vào Việt Nam hiện nay cũng tăng hơn 3.500 chiếc, tăng gần 5%.
Trong khi xe nhập của các thị trường lớn như Thái Lan, Indonesia suy giảm doanh số hoặc có lượng xe nhập vào Việt Nam tăng không cao, xe Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Xe con dưới 9 chỗ ngồi của Trung Quốc nhập vào Việt Nam tại cảng Sài Gòn (Ảnh Tổng cục Hải quan cung cấp).
Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm lượng xe Thái vào Việt Nam chỉ đạt hơn 33.100 chiếc, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2020 - thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với bối cảnh bình thường chưa có dịch (5 tháng 2019), lượng xe nhập Thái về Việt Nam hiện nay suy giảm hơn 4.300 chiếc.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra đối với xe nhập từ Indonesia vào Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, xe Indonesia vào Việt Nam đạt 18.300 chiếc, giảm 1.200 chiếc so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, mặc dù lượng xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều, song tỷ lệ ngày một lớn. 5 tháng đầu năm, lượng xe Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 9.400 chiếc, tăng hơn 8.000 chiếc so với cùng kỳ 2020 và 7.400 chiếc so với cùng kỳ 2019. Mức độ gia tăng lượng xe nhập Trung Quốc vào Việt Nam lần lượt là 555% và 370%.
Đáng nói, lượng xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam gần đây không chỉ gia tăng về lượng và còn đa dạng về chủng loại, đặc biệt là thay đổi cách thức kinh doanh. Tính đến hết tháng 5, lượng xe con Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 967 chiếc, lượng tăng chưa từng có so với các năm trước. Đặc biệt đây là một trong những dòng xe dưới 9 chỗ ngồi có lợi thế cạnh tranh khá lớn.
Theo đại diện một nhà nhập khẩu xe hơi từ Trung Quốc, nhập khẩu xe hơi của Trung Quốc vào Việt Nam lần thứ 4 chú trọng vào nhập khẩu xe con và xe chuyên dụng (tải nhỏ và siêu trường, siêu trọng). Trong đó xe con được tăng cường vì đã có một lượng khách hàng nhất định. Về khả năng cạnh tranh, các dòng xe Trung Quốc vẫn có lợi thế về giá cả, tiện nghi, song sức mạnh thương hiệu vẫn cần thời gian.
Chuyên gia về ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, xe Trung Quốc, đặc biệt là xe con vào được Việt Nam hiện nay sở dĩ do lợi thế về giá và tiện nghi, công nghệ. Thời đại sản xuất xe hơi đã toàn cầu hóa và có tính liên kết cao, kết quả là nhiều nhà sản xuất, lắp ráp mới có đủ lợi thế về đi tắt, đón đầu công nghệ, dựa trên thiết kế sẵn có.
Tuy nhiên, xe Trung Quốc nói chung và xe con của nước này nói riêng sẽ gặp khó khăn ở thị trường Việt Nam. Bởi tâm lý lo ngại của người Việt đối với hàng giá rẻ Trung Quốc cũng như uy tín chất lượng và cả áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp liên doanh, hãng tư nhân trong nước. Nếu vượt qua được yếu tố này, ô tô Trung Quốc mới có thể mở rộng thêm thị phần tại nước ta.
Dễ nhận thấy, gần đây doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đã và đang tiến sâu vào Đông Nam Á, thị trường màu mỡ và có tỷ lệ xe/số dân còn rất ít ỏi. Đặc biệt với giá xe ở ngưỡng cao, việt Nam đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các hãng xe Trung Quốc giá rẻ tìm cách xâm nhập.
Để chinh phục thị trường hơn 650 triệu dân đang rất "khát xe hơi" ở Đông Nam Á, ngoài nguồn xe nhập trực tiếp từ Trung Quốc, các hãng xe nội địa lớn của Trung Quốc như Great Wall Motors, SAIC, BAIC, BYD, Li Auto, Xpeng Motors, Byton còn tăng tốc đầu tư mở mới hoặc mở rộng các nhà máy lắp ráp xe tại Thái Lan, Malaysia.
Nguyễn Tuyền