Tại Hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện chính sách thuế, hỗ trợ tài chính cho ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội sáng 22/10, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về ô tô đều đưa ra những khó khăn, cơ hội cho ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Theo ông Hiếu, hiện ngành sản xuất xe hơi của Thái Lan, Indonesia vẫn mạnh hơn chúng ta, đây là đối thủ cạnh tranh chính của ngành sản xuất ô tô Việt Nam ở trong khu vực. Tuy nhiên, với thị trường dân số đông, nhu cầu ngày càng cao, chưa có “ô tô hoá” nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để cho ngành ô tô trong tận dụng phát triển.
Dù thừa nhận ngành sản xuất ô tô Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực, song các chuyên gia cho rằng tiềm năng ngành ô tô Việt Nam sẽ sánh ngang Thái Lan - quốc gia dẫn đầu phát triển xe hơi khu vực.
Cụ thể, Thái Lan hiện có 60 triệu dân nhưng là thị trường của 1 triệu xe (năm 2018), sản xuất xe của nước này mỗi năm vào khoảng 2,1 triệu chiếc, như vậy hơn 1 triệu chiếc là để dành cho xuất khẩu, trong đó thị trường trọng tâm là các nước ASEAN. Thái Lan cũng có khoảng 2.000 nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện, quy mô lớn hơn Việt Nam gấp 5 lần so với Việt Nam.
Theo đại diện của VAMA, trong khu vực Indonesia sản xuất khoảng 200.000 chiếc mỗi năm, trong đó Malaysia tự cung tự cấp xe hơi, Philippines phải nhập khẩu khoảng 300.000 xe/năm.
“Thái Lan là nước sản xuất ô tô lớn nhất khu vực với thị trường mở rộng bởi các nước đều bỏ thuế nhập khẩu, chỉ duy trì các loại thuế, phí nội địa, cơ hội đang rất rộng mở”, ông Hiếu cho biết.
Trong khi đó, theo ông Hiếu, hiện sản xuất ô tô tại Việt Nam mới chỉ mua được khoảng 20% linh phụ kiện của các nhà trong nước.
“Thép nhựa làm chi tiết cao cấp cho xe hơi ở Việt Nam gần như không có nên phải nhập khẩu. Trong khi đó, một nắp bình xăng nhà sản xuất trong nước bán 3,8 USD, trong khi đó nhập khẩu chỉ 1,5 USD (chất lượng như nhau)… Linh kiện trong nước giá bán cao nhưng lại cạnh tranh cởi mở nên giá xe sản xuất tại Việt Nam chênh 10-20% tùy mẫu xe so với các nước khu vực”, ông Hiếu nói.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thị trường xe hơi Việt Nam vẫn quá nhỏ so với các nước trong khu vực, năm 2016, lượng tiêu thụ xe là 238.000 chiếc, đến năm 2018 là hơn 254.000 chiếc.
Trong khi đó, lượng xe tiêu thụ Thái Lan năm 2016 là 726.000 chiếc, năm 2018 là 1 triệu chiếc; thị trường Indonesia cũng từ 1 triệu chiếc đến gần 1,1 triệu chiếc/năm vào các năm 2016 và 2018.
Theo CIEM, năng lực sản xuất xe của Việt Nam hiện kém xa các nước. Nếu năm 2018 Thái Lan sản xuất được 2 triệu chiếc, Indonesia là 1,2 triệu chiếc, Malaysia là 560.000 chiếc thì Việt Nam mới chỉ 184.000 chiếc.
Số lượng nhà cung ứng linh phụ kiện ô tô năm 2018 của Thái Lan là 2.000 nhà cung ứng, Indonesia là gần 800, Malaysia là hơn 620 còn Việt Nam mới chỉ hơn 276 nhà cung ứng.
Theo đại điện của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến sản xuất, cung ứng nguyên, linh kiện cho ô tô.
Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (cung ứng trực tiếp), 150 doanh nghiệp cung ứng cấp 2 và 3, còn lại hầu hết là trung gian. Điều này khác hoàn toàn với Thái Lan, khi hệ thống nhà cung ứng cấp 1 của họ lên đến 700 nhà cung ứng.
“Thị trường và nhu cầu của hơn 90 triệu dân Việt Nam thời gian sắp tới sẽ rất lớn, trong khi đó thực tế tỷ lệ sở hữu ô tô/người của Việt Nam dưới bình quân chung của khu vực, điều này vừa là cơ hội, nhưng vừa là thách thức cho ngành xe hơi Việt Nam”, chuyên gia Bộ Công Thương cho biết.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết: “Nghe các đánh giá thị trường xe hơi và cơ hội xe hơi Việt cạnh tranh với các nước chẳng thấy có cơ hội nào cho phát triển ngành xe hơi trong 10 năm tới vì chúng ta toàn doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp phụ tùng của Việt Nam hiện mới chỉ vật lộn với câu chuyện tồn tại, sống tốt, chứ chưa thể nói là làm giàu lên được nhờ ngành ô tô trong nước”.
An Linh