Đây là đợt giảm giá xe mạnh nhất kể từ khi chính sách ưu đãi phí trước bạ hết hiệu lực.
Cuộc đua "dìm" giá của các dòng xe
Trong bối cảnh sản lượng xe của các doanh nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Kia, Mazda của Thaco có nhiều mẫu xe giảm giá mạnh nhất, đáng nói đây vốn là những mẫu xe có doanh số cao. Đơn cử như Kia Cerato, Sorento hay Sedona được hãng giảm giá từ 48 triệu đồng/chiếc đến hơn 50 triệu đồng/chiếc.
Kia Sorento được giảm giá để đấu với SantaFe (Ảnh minh họa).
Các mẫu xe Mazda cũng được giảm giá mạnh. Mẫu Mazda CX5 được các đại lý giảm từ 30-40 triệu đồng, tặng kèm các trang thiết bị. Mazda 6 cũng được hỗ trợ giá hơn 80 triệu đồng bao gồm hỗ trợ cả phí trước bạ. Mazda CX8 được giảm giá cao nhất 120 triệu đồng nhằm "đua" với mẫu Hyundai SantaFe mới.
Ngoài giảm giá bằng tiền mặt, các mẫu xe của Thaco lắp ráp cũng được vay với lãi suất cố định thấp trong một năm đầu tiên.
Tương tự, Hyundai Thành Công cũng giảm đồng loạt hai mẫu xe tầm trung của mình là Elantra và Kona. Theo ghi nhận trong tháng 6, hai mẫu xe Elantra và Kona của Hyundai Thành Công được giảm giá từ 15-40 triệu đồng/chiếc. Đây là hai mẫu xe đang phải cạnh tranh doanh số quyết liệt với các đối thủ cùng phân khúc.
Kona đang bị lép vế bởi Toyota Cross và Kia Seltos, cho dù đại diện của Hyundai có giá rẻ song lại là kiểu dáng xe cũ đời 2019-2020. Trong khi đó, các mẫu Cross hay Seltos ăn khách hơn bởi form mới và đẹp hơn về thiết kế nội, ngoại thất.
Kona của Thành Công đã buộc phải điều chỉnh giá khi Cross hay Seltos có doanh số bán ra vượt trội (Ảnh minh họa).
Elantra cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với Kia Cerato, Mazda 3 - hai mẫu xe này đang đứng đầu doanh số của Thaco và là điều mà Elantra chưa bao giờ làm được ở Thành Công.
Trong tháng 6, VinFast cũng giảm đồng loạt cả ba mẫu xe của mình. Theo đó, khách mua mẫu xe Fadil được ưu đãi 100% phí trước bạ; còn người mua Lux A được thanh toán đủ giá trị voucher 200 triệu đồng thay vì chỉ được 150 triệu đồng như trước kia; khách mua Lux SA được giảm giá từ 60-80 triệu đồng cho các phiên bản khác nhau.
Ngoài 3 "ông lớn" ô tô trong nước, Toyota, Honda hay Mitsubishi cũng thực hiện khuyến mãi giá xe từ tháng 5 và kéo dài đến thời điểm hiện nay.
Cụ thể, Vios được Toyota giảm giá hơn 35 triệu đồng/chiếc từ đại lý. Trong khi đó, Mitsubishi có chính sách tặng phiếu mua nhiên liệu, bảo hiểm vật chất cho khách hàng mua các loại xe của hãng này, phiếu mua nguyên liệu dao động từ 25-40 triệu đồng/chiếc.
Ford Việt Nam cũng giảm giá mạnh từ 45-90 triệu đồng/chiếc cho khách mua mẫu Everest các phiên bản.
Trong khi đó, trong tháng 6, Ford Việt Nam cũng giảm giá mạnh từ 45-90 triệu đồng/chiếc cho khách mua mẫu Everest các phiên bản khác nhau. Đại lý nhập Subaru từ Thái Lan cũng giảm từ 70-120 triệu đồng/chiếc cho các mẫu Forester.
Ngoài ra, Suzuki cũng giảm từ 59-70 triệu đồng cho khách mua các mẫu Ertiga để cứu vớt doanh số đang thảm hại so các mẫu xe 7 chỗ cùng phân khúc như Xpander hay Innova.
Doanh số "lao dốc"
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số tháng 5 của hàng loạt doanh nghiệp, hãng xe tại Việt Nam đều giảm mạnh.
Cụ thể, Kia chỉ bán được hơn 3.300 chiếc, giảm 1.000 chiếc so với tháng 4; Mazda bán được hơn 2.400 chiếc, giảm gần 100 chiếc; Honda bán được hơn 1.400 chiếc, giảm hơn 500 chiếc; Ford bán được gần 1.700 chiếc, giảm hơn 800 chiếc, Toyota bán được hơn 5.100 chiếc, giảm gần 400 chiếc, Mitsubishi bán được 2.700 chiếc, giảm 500 chiếc. Hyundai bán được hơn 6.000 chiếc, giảm 500 chiếc. Duy chỉ có VinFast tăng nhẹ 100 chiếc so với tháng trước, lên hơn 2.800 chiếc.
Ertiga của Suzuki được giảm giá rất mạnh để tranh khách của Xpander hay Innova (Ảnh minh họa).
Theo ông Phan Đăng Hùng - chủ đại lý xe hơi trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, doanh số xe tháng 5 bắt đầu hạ ở hầu hết các hãng, khiến nhiều người lo ngại chu kỳ giảm giá nhanh trong thời gian tới. Nếu không kích cầu, doanh số khó lòng về được trong quý II và có thể quý III cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi "dính" tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch).
"Dịch bệnh tác động quá lớn đến lượng khách mua xe kinh doanh dịch vụ, hầu hết các hãng taxi, người mua xe công nghệ hoãn kế hoạch mua xe hơi. Đối với khách hàng cá nhân, lượng xe mua thời điểm này trồi sụt mạnh do phí trước bạ năm nay không giảm và mất hiệu ứng kích cầu thị trường, buộc doanh nghiệp, đại lý xe phải vào cuộc" - ông Hùng cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài mức giá hãng hỗ trợ người mua xe, đại lý và nhân viên bán hàng còn chiết khấu thêm cho khách vài ba triệu để chạy doanh số.
Hiện, hầu hết các hãng xe, đại lý chỉ giảm giá trong chu kỳ ngắn 15 ngày hoặc một tháng chứ không giảm kéo dài. Khá nhiều mẫu xe giảm giá là những kiểu dáng cũ, đời 2019-2020 hoặc đang bị các đối thủ cạnh tranh trực tiếp qua mặt về doanh số cũng như họ đã ra xe mới, các mẫu xe cũ bắt buộc phải giảm giá nếu không sẽ mất doanh số.
Mẫu Fadil của VinFast được hãng bao trọn phí trước bạ trong tháng 6 (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, chu kỳ giảm giá ngắn nhằm tạo sóng dư luận của các hãng, đại lý để kéo doanh số cuối các quý. Khi có doanh số ổn định, các hãng lại quay trở lại mức giá bán ban đầu.
Nhiều đại lý xe hơi tại Hà Nội cho rằng, nếu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 đạt được như kỳ vọng và đại dịch được dập tắt, có thể tổng cầu xe sẽ tăng trở lại trong quý III và quý IV. Nếu các hãng, đại lý muốn chốt doanh số năm, chắc chắn cuối các quý sẽ có những đợt điều chỉnh giá mạnh hơn.
An Linh