Fica
  1. Thời sự

Xuất khẩu thủy sản lần đầu rơi xuống mức âm

Thảo Thu
Thảo Thu

Lần đầu tiên từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm, giảm trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết Nguyên đán.

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20-26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương, lần lượt là 9% và 6%.

Dù tháng 11 giảm nhưng lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.

Đầu năm, xuất khẩu thủy sản liên tiếp lập kỷ lục nhưng sau đó bắt đầu giảm tốc (Ảnh: VASEP).

VASEP cho biết, giai đoạn đầu năm, đặc biệt là cuối quý II đầu quý III, xuất khẩu thủy sản liên tiếp lập kỷ lục với giá trị đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, thị trường sau đó bắt đầu giảm tốc, tháng 10 xuất khẩu thủy sản chỉ tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

VASEP dự báo tình hình tăng trưởng âm sẽ kéo dài trong tháng 12 năm nay và kéo dài sang cả năm 2023. Nguyên nhân do lạm phát ảnh hưởng đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ… mà các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.

Thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thủy sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đến cuối tháng 11 mang về cho thủy sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD.

Thảo Thu