Fica
  1. Thời sự

Vụ nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt: Đóng đủ thuế sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, số nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt xuất đi Mỹ có được tiêu thụ ở Việt Nam hay không là quyền của doanh nghiệp, nếu tiêu thụ tại Việt Nam phải nộp các loại thuế.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí về vụ việc nhôm Trung Quốc trị giá hơn 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt xuất đi Mỹ bất thành đang gây bức xúc dư luận, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đây là vụ việc mà cơ quan hải quan phát hiện, sau đó phối hợp với Bộ an ninh nội địa Mỹ (Hải quan Mỹ) phối hợp điều tra. Chúng tôi đã xác minh kể cả lượng nhôm đã xuất đi lẫn lượng nhôm còn lại. 

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan nói về việc xử lý nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất đi Mỹ đang lưu kho tại Việt Nam

Theo ông Cẩn, số nhôm trị giá 4,3 tỷ USD đó Hải quan Việt Nam không giữ mà chỉ ngăn chặn xuất đi Mỹ. Việt Nam ngăn chặn kịp thời hành vi tổn hại đến lợi ích quốc gia với nhôm không đủ hàm lượng xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ, đồng thời là ngăn chặn nguy cơ Mỹ có thể điều tra, áp đặt thuế đối với sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.

Vụ nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt: Đóng đủ thuế sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

“Chúng tôi đã phát hiện ra và ngăn chặn không để số nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chứ không giữ, doanh nghiệp có quyền tiêu thụ ở Việt Nam, nhưng phải nộp các loại thuế đầy đủ”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nói. 

Thông tin cụ thể về vụ việc, Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Số lượng nhôm mà doanh nghiệp nhập từ năm 2015-2019 hiện tại tồn khoảng 1,8 triệu tấn đang nằm ở các kho thuê ngoài của doanh nghiệp và khoảng 200 nghìn tấn đang nằm tại kho trong nhà máy của doanh nghiệp và doanh nghiệp hiện vẫn đang thực hiện sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhôm ra nước ngoài. 

Ông Tuấn cũng cho biết: Khi phát hiện số lượng nhôm nhập khẩu gia tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam bao gồm cơ quan Hải quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc, kiểm tra, xác minh. 

“Qua kiểm tra, xác minh thấy rằng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra trùng với mã HS, nếu đối chiếu với các quy tắc của quy tắc xuất xứ thì có nguy cơ không đáp ứng quy định về tiêu chí xuất xứ của Nghị định 31 và Thông tư 05”, ông Tuấn thông tin thêm. 

Bên cạnh đó, đại diện cơ quan hải quan nói thêm: Năm 2016, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thì thấy rằng hàng hoá của doanh nghiệp không chỉ xuất đi Mỹ mà còn xuất khẩu đi rất nhiều nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do.

“Hải quan xác định có nguy cơ gian lận xuất xứ cao và lẩn tránh thuế do vậy cơ quan hải quan và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra kiểm soát, giám sát”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, các dấu hiệu về gian lận xuất xứ sẽ được cơ quan hải quan phối hợp với các bộ, ngành để xử lý nghiêm, để tránh ảnh hưởng tới uy tín cũng như tình trạng lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển và thực hiện một số hoạt động gia công đơn giản không đáp ứng được xuất xứ. 

Về khả năng tiêu thụ số nhôm 1,8 triệu tấn ở thị trường trong nước, ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp được phép nhưng phải đóng thuế và pháp luật không ngăn cấm. 

Tuy nhiên, nếu cho phép doanh nghiệp tiêu thụ số nhôm gian lận xuất xứ này tại thị trường trong nước sẽ phát sinh tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác. 

“Khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước đối với hơn 1,8 triệu tấn nhôm trên là rất khó. Trong trường hợp doanh nghiệp đưa vào tiêu thụ nội địa thì cơ quan hải quan sẽ xử lý về thuế, các loại thuế theo mã số HS riêng từng sản phẩm”. Cục trưởng Cục Giám sát Hải quan nói.

Nguyễn Tuyền

Vụ nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt: Đóng đủ thuế sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam - 2