Cụ thể, Vinachem kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%; sửa Luật số 106/2016/QH13 nhằm tạo điều kiện cho phân bón sản xuất trong nước có thể xuất khẩu.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳn định: Không chỉ Vinachem kiến nghị tăng VAT đối với phân bón mà còn nhiều doanh nghiệp phân bón khác, nếu tăng VAT có lợi cho doanh nghiệp và có lợi cả cho thị trường thì mới cần xem xét, còn nếu chỉ có ngành hóa chất hưởng lợi thì không công bằng.
Theo ông Tiến, đối với Vinachem, 4 dự án thua lỗ, tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước và thị trường, cái gì không hợp lý phải bỏ đi.
"Sản phẩm sản xuất ra thì phải tiêu thụ được, thuế thì chỉ là 1 biện pháp thôi, thuế không phải là biện pháp căn cơ, phải xem lại mình và xem có còn bao cấp không và cần tìm các giải pháp thị trường cho sản phẩm", Cục trưởng Tiến nói.
Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chúng ta đã tham gia vào sân chơi thương mại tự do nên không thể muốn có ưu đãi hoặc không muốn ưu đãi là thay đổi được.
"Phải xem kiến nghị của Tập đoàn Hoá chất có đúng thị trường hay không và có đúng như cam kết tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia hay không?", ông Hùng chia sẻ.
Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT phản bác với nhiều lý lẽ.
Ông Hồ cho rằng: Tăng thuế VAT mới nghĩ chỉ là vấn đề của ngành phân bón, hóa chất nhưng nó lại bộc lộ vấn đề rất lớn của doanh nghiệp Nhà nước, chuyện quốc gia đại sự.
"Tôi phải nói rằng, doanh nghiệp nhà nước hiện tồn tại quá lâu trong ưu đãi, bao cấp nên tư duy không tháo gỡ được cách xin - cho và quen sống trong môi trường không thực sự bình đẳng. Các ông lớn Nhà nước được ưu đãi, đất đai, vốn nhưng hoạt động không hiệu quả, thua lỗ và trông vào hỗ trợ của Bộ, ngành", chuyên gia Hồ nói.
Ông Hồ nhấn mạnh: Người ta thường nói doanh nghiệp Nhà nước là sân sau của các Bộ, ngành chủ quản. Bộ ngành có cái được gọi là lợi ích nhóm nó thể hiện ở các chính sách "cài cắm" cho doanh nghiệp trực thuộc bộ. Chính vì mớ bòng bong này khiến xu thế cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước bị chậm", ông Hồ nhấn mạnh.
Trước hết đã có Luật là phải thi hành, ở nước ta tuân thủ Luật còn yếu. Không chỉ ở phía doanh nghiệp mà cả các cơ quan Nhà nước nên chấm dứt cơ chế xin cho, còn tồn tại "xin" - "cho" sẽ đẻ ra không bình đẳng, không minh bạch.
Tôi ủng hộ ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là Huệ là kiên quyết thực hiện thị trường, thị trường và thị trường. Và khẩu hiệu những người chịu trách nhiệm tái cơ cấu không làm được thì đứng sang 1 bên để người khác làm.
Khi ban hành Luật số 71, đưa phân bón là đối tượng không chịu thuế để cho người dân mua phân bón với giá hợp lý, Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp trong nước kêu nhiều khó khăn. Riêng với Vinachem, cần xem xét rất cụ thể, chúng ta hội nhập rồi thì phải cân nhắc bởi còn rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp yếu kém nếu xin cho được thì sẽ tiếp tục xin cho.
An Linh