Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 9, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng há của Việt Nam từ Trung Quốc vào khoảng 55,4 tỷ USD, so với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là 28,2 tỷ USD, Việt Nam thâm hụt khoảng 27 tỷ USD từ Trung Quốc.
Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với nước này tăng rất mạnh
Mỗi tháng, thâm hụt thương mại của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD/tháng so với cùng kỳ năm trước và gia tăng hơn 9 tỷ USD thâm hụt thương mại của Việt Nam từ thị trường này.
Nhiều mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh khiến cho kim ngạch thương mại Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục thâm hụt về nước ta, trong số các sản phẩm nhập khẩu nhiều có máy móc, thiết bị điện tử, nguyên liệu…
Cụ thể, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trọng điểm của Trung Quốc vào Việt Nam đều gia tăng, trong đó sơ sợi, dệt tăng từ 910 triệu USD 9 tháng năm 2018 lên 1 tỷ USD hiện nay.
Vải các loại cũng tăng từ 5,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái lên 5,6 tỷ USD hiện nay. Phụ liệu dệt may cũng tăng từ 1,6 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD.
Ba mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất mà Việt Nam luôn nhập từ Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị và phụ tùng.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng nhập từ 5,7 tỷ USD lên 9 tỷ USD, tăng hơn 3 tỷ USD sau 1 năm. Trong khi đó, điện thoại, linh kiện đạt ngưỡng 5,6 tỷ USD, giảm nhẹ 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng nhập từ 8,3 tỷ USD 9 tháng năm 2018 lên 10,6 tỷ USD hiện nay, mức tăng khoảng 2,3 tỷ USD.
Hai loại mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, phụ tùng đã tăng giá trị nhập khẩu khoảng hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, đáng chú ý là việc nhập khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc về Việt Nam đang rẻ đi trông thấy, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản phẩm trong nước.
Đơn cử như sắt thép các loại, trong đó chủ yếu là phôi thép, thép cuộn từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Theo báo cáo của hải quan, hết tháng 9/2019, Việt Nam chi 2,7 tỷ USD nhập 4,3 triệu tấn sắt thép các loại, giá bình quân là 14,4 triệu đồng/tấn. Cùng kỳ năm 2018, lượng nhập sắt thép từ Trung Quốc là 4,7 triệu tấn, kim ngạch 3,4 tỷ USD, giá bình quân là 16,6 triệu đồng/tấn.
Như vậy, giá sắt thép nhập từ Trung Quốc sau 1 năm đã giảm 2,2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thời điểm hiện tại, giá sắt thép nhập về Việt Nam bình quân có giá khoảng 15,3 triệu đồng/tấn. Mỗi tấn sắt thép Trung Quốc nhập về Việt Nam hiện rẻ hơn bình quân chung khoảng 900.000 đồng/tấn.
Hiện Trung Quốc đang giảm giá mạnh đồng Nhân dân tệ để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều này khiến giá cả các loại hàng hoá nước này rẻ đi trông thấy, và lợi thế lớn cho nước này xuất khẩu, nhưng điều này cũng khiến các nước phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên khốn đốn do tăng thâm hụt và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam, về lâu dài, tác động giảm giá mạnh đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ khiến nguy hại cho các nền kinh tế khác khi không thể cạnh tranh được với giá sản phẩm trên thị trường quốc tế, buộc phải lệ thuộc vào nhập khẩu.
An Linh