Chiều 29/12, ông Trần Phước Tường, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, chủ trì buổi họp báo nhằm báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của địa bàn. Trong năm 2021, TPHCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 với nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm sâu.
"Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn ước giảm 6,78% cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất trong lịch sử. Điểm sáng là tổng thu ngân sách Nhà nước năm nay ước thực hiện hơn 383.000 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ", lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM nhìn nhận.
Nghịch lý GRDP giảm nhưng thu ngân sách tăng
Giải đáp thắc mắc của nhiều người về vấn đề GRDP của địa bàn giảm, nhưng thu ngân sách vượt kế hoạch, đại diện Cục Thống kê thành phố phân tích, thu ngân sách sẽ bao gồm nhiều nguồn, tuy nhiên, chỉ một vài phần nhất định được tính vào tổng sản phẩm địa bàn. Cụ thể, những phần thu ngân sách được tính vào GRDP là thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt...
"Tổng thu ngân sách năm 2021 của TPHCM cao bởi năm 2021, địa bàn có nguồn thu lớn từ nhà đất, chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, chỉ có thuế thu nhập cá nhân và thuế tiêu thụ đặc biệt được tính vào một phần cấu thành GRDP chứ không tính toàn bộ", Cục Thống kê TPHCM giải thích.
Ông Trần Phước Tường, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, chủ trì buổi họp (Ảnh: Quang Huy).
Hơn nữa, nguồn thu từ hoạt động chứng khoán, nhà đất hầu hết không bị gián đoạn trong năm 2021 khiến thành phố tạo được nguồn thu vượt dự toán. Bởi vậy, kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế đã góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 của TPHCM.
Đối với ngành ngân hàng, các đơn vị đã triển khai nhiều gói ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn để tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng vốn huy động tính đến ngày 01/12 đạt 3.062,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý IV năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sôi động khi chỉ số VN-index liên tiếp chinh phục các đỉnh mới. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng giao dịch đạt 170.653 triệu chứng khoán, tăng 2,3 lần khối lượng giao dịch với năm trước và gấp 3,7 lần về giá trị.
Kinh tế TPHCM sẽ tăng trường theo hình chữ V
Qua các chỉ số tăng trưởng của năm 2021, Cục Thống kê TPHCM đưa ra dự báo, năm 2022, kinh tế của địa bàn sẽ phục hồi theo hình chữ V. Những thách thức thành phố còn phải đổi mặt là biến chủng SARS-CoV-2 mới, những bất ổn tiềm tàng về địa chính trị.
Cơ sở để đưa ra dự báo trên do hiện tại, kinh tế của thành phố đã chạm đáy trong năm 2020-2021 bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, thành phố đã phục hồi, phát triển nhanh sau thời gian ngắn giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh.
Nền kinh tế TPHCM được dự báo tăng trưởng theo hình chữ V trong năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Quang).
Với biến chủng Delta, những ảnh hưởng nặng nề đã xuất hiện trong năm 2021. Nhưng sau 3 quý đầu năm tăng trưởng kinh tế giảm sút, thành phố đã có những dấu hiệu phục hồi trong quý IV, kéo theo sự phát triển cả năm 2021.
Một cơ sở khác để TPHCM tin tưởng vào sự phát triển ngay trong quý I/2022 là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Với việc bám sát Nghị quyết 128, TPHCM đang trên đà phục hồi nhanh và khôi phục các hoạt động.
Ngoài ra, từ cuối tháng 10, với các chính sách thúc đẩy đầu tư, mời gọi lao động quay lại địa bàn, công nhân, người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM đã dần quay trở lại làm việc.
Quang Huy