Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 2/10.
Tại cuộc họp báo, PV Dân trí đề nghị lãnh đạo Chính phủ xác nhận khi nào Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được đưa vào khai thác, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ GTVT cung cấp thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Hiện trường, thi công và lắp đặt cơ bản đã xong phần xây lắp thiết bị chạy đơn lẻ từng hệ thống như tàu chạy, thông tin, bán vé tự động...
“Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tồn tại này Bộ đã tích cực làm việc với Tổng thầu và phối hợp với Hà Nội để giải quyết.” - ông Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (ảnh: Đoàn Bắc)
Cũng theo ông Đông, Bộ GVT đã mời tư vấn độc lập của Pháp có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá hệ thống an toàn. Tuy nhiên, việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu Trung Quốc chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu để làm cơ sở đánh giá đoàn tàu và đưa vào khai thác.
“Phải đánh giá xong hệ thống thì mới đưa đoàn tàu vào chạy thử, tích hợp hệ thống bán vé tự động, kiểm soát tự động, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều độ đoàn tàu chạy liên tục 3-4 phút/chuyến. Thời gian chạy thử trong vòng 20 ngày, sau đó mới đưa vào khai thác chính thức và nghiệm thu Dự án.” - ông Đông thông tin.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngày 1/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo. Bộ GTVT cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng những nội dung liên quan đến an toàn.
“Việc đưa vào khai thác chỉ được thực hiện trên cơ sở có đánh giá độc lập và kết quả của Hội đồng nghiệm thu.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại trong buổi kiểm tra Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày 1/10 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 này phải đưa Dự án vào khai thác.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bên trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là nhà thầu. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) với trách nhiệm nhiệm của mình phải phối hợp với tư vấn để có những đánh giá kết luận nghiệm thu công trình này.”
“Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình hoạt động, đây là yêu cầu số 1. Tổng thầu phải đáp ứng các hồ sơ đánh giá an toàn để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống.” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
“Người dân thắc mắc rất nhiều, đây không chỉ là công trình của Hà Nội mà là công trình trọng điểm của quốc gia. Đề nghị đồng chí phải có một lời hứa như thế nào, cứ để thế này mãi không được.” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao. Dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản” do “vướng” 1% khối lượng dự án Tổng thầu Trung Quốc chưa hoàn thành.
Châu Như Quỳnh