Fica
  1. Thời sự

VDSC: "Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tốt hơn kỳ vọng"

Mai Chi
Mai Chi

Dữ liệu thương mại sơ bộ của Tổng cục Hải quan đã công bố một bức tranh khá khác biệt so với Tổng cục Thống kê khi tăng trưởng thương mại đã vượt mức kỳ vọng.

Báo cáo cập nhật vĩ mô của VDSC vừa công bố cho biết, trước khi Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội ở quy mô toàn quốc từ ngày 1/4 đến ngày 15/4, cán cân thương mại ghi nhận mức cao nhất lịch sử trong quý đầu năm 2020.

Dữ liệu thương mại sơ bộ của Tổng cục Hải quan đã công bố một bức tranh khá khác biệt so với Tổng cục Thống kê khi tăng trưởng thương mại đã vượt mức kỳ vọng. Các nhà sản xuất thiết bị điện, điện tử nội địa tỏa sáng khi sản lượng và doanh thu xuất khẩu đều tăng nhanh chóng.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 7,6% trong quý 1/2020, cao hơn mức 5,5% của quý 1/2019. Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là những thị trường lớn nhất, có mức tăng lần lượt 19,5% so cùng kỳ và 22,4% trong quý 1/2020.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng vọt lên gần 3,9 tỷ USD trong tháng 3, đánh dấu mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Các sản phẩm điện và điện tử đóng góp nhiều nhất và vượt qua các ước tính của Tổng cục Thống kê. Hàng hóa nông nghiệp vẫn bị mắc kẹt ở biên giới.

Bắc Ninh và TP. Hồ Chí Minh là những điểm sáng trong hoạt động sản xuất. Tại TP. Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp tăng gần 12% so cùng kỳ trong khi sản lượng sản xuất chung giảm 1,7%.

Doanh thu xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tăng 35%. Tương tự, sản lượng ngành này cũng tăng vọt 40% so với cùng kỳ tại Bắc Ninh. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã tăng gấp đôi trong quý 1/2020.

Trong khi các nhà sản xuất nước ngoài tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, thì các nhà sản xuất trong nước đang tăng lên nhanh chóng.

Các doanh nghiệp nước ngoài thu về gần 7,9 tỷ USD doanh thu xuất khẩu máy tính và các sản phẩm điện trong quý 1/2020, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các công ty nội địa đã bán hơn 1,2 tỷ USD các sản phẩm này trong quý đầu tiên, tăng với tốc độ trên 100%, từ mức không có gì trong năm 2015.

Số liệu thương mại quốc tế trong quý 1/2020 của Việt Nam cho thấy 2 góc nhìn khác biệt. Một mặt, việc Trung Quốc cách ly toàn quốc đã đe dọa nguồn cung nguyên liệu trung gian và ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam.

Mặt khác, các nhà sản xuất trong và ngoài nước của Việt Nam đã cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn về triển vọng thay thế một phần vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng các sản phẩm điện và điện tử.

Phản ứng nhanh chóng và đa dạng hóa các nguồn lực, các doanh nghiệp này đã lấp vào chỗ trống nguồn cung mặt hàng điện, điện tử tại Trung Quốc khi nền kinh tế nước này bắt đầu “khởi động lại” cuối tháng 3.

Tăng trưởng nhập khẩu ở mức 3,9% so với cùng kỳ trong quý 1/2020, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong quý 1/2019.

Cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu ô tô và máy móc cho các nhà máy phát điện mặt trời tăng đột biến. Theo đó, cán cân thương mại đã thặng dư gần 3,9 tỷ USD, xô đổ mức kỷ lục của quý 1/2018.

Theo VDSC, sự gia tăng liên tục trong cán cân thương mại không chỉ thể hiện năng lực sản xuất của Việt Nam tăng lên và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng, mà còn củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô thông qua dự trữ ngoại hối cao. Do đó, áp lực mất giá lên tiền VND đang dịu bớt.

 

Mai Chi