Fica
  1. Thời sự

Trưởng ban Kinh tế Trung ương: GDP Việt Nam năm nay chỉ ước đạt 2-2,5%

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, dự báo dịch Covid -19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường; nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương: GDP Việt Nam năm nay chỉ ước đạt 2-2,5% - 1

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5% (Ảnh: Quốc Chính).

Phát triển vẫn còn theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững

Sáng 6/12, Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid -19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số" diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự. 

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham gia của 200 đại biểu trực tiếp ở điểm cầu Hà Nội cùng hơn 2.000 đại biểu ở các điểm cầu trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết, dịch bệnh Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế - xã hội thế giới. Kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu, GDP giảm 3,1%, thu nhập bình quân giảm 6%, việc làm năm 2021 giảm 100 triệu và dự báo năm 2022 giảm khoảng 26 triệu lao động.

Với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, ông Tuấn Anh cho biết, nguy cơ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2 - 0,4 điểm %. Việt Nam cũng không ngoại lệ trước những tác động này. "Lần đầu tiên, tăng trưởng quý III năm 2021 giảm sâu (- 6,17%). Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%", ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh, dự báo dịch Covid -19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường. Nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

Do vậy, ông nhấn mạnh nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo ông Tuấn Anh, dù đạt được những kết quả đáng kể song quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19 đang gặp phải những trở ngại lớn.

Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa.

5 nhóm nội dung trong gói hỗ trợ tổng thể nền kinh tế

Tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cũng cho rằng tác động từ dịch bệnh là rất lớn. Do vậy, một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.

Theo ông Phương, có 5 nhóm giải pháp nhiệm vụ chủ yếu khi bàn về chương trình tổng thể này. Trong đó, nhóm thứ nhất là thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương: GDP Việt Nam năm nay chỉ ước đạt 2-2,5% - 2

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham gia của 200 đại biểu trực tiếp ở điểm cầu Hà Nội cùng hơn 2.000 đại biểu ở các điểm cầu trong và ngoài nước (Ảnh: NM).

Nhóm thứ hai là an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Trong đó có việc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Nhóm thứ ba là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhóm thứ 4 là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư và phát triển. Cuối cùng là nhóm giải pháp liên quan tới hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng chia sẻ kế hoạch phục hồi tổng thể nền kinh tế. Trong đó nhấn mạnh chiến lược "biến nguy thành cơ", "biến đau thương thành hành động".

Theo ông Hoan, chương trình phục hồi kinh tế của TPHCM được làm 2 giai đoạn: Trong đó năm 2022 sẽ tập trung khắc phục hệ lụy dịch bệnh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Sang năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, TPHCM sẽ triển khai các giải pháp giải quyết điểm nghẽn, tạo tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy thế mạnh của Thành phố, từng bước hình thành trung tâm tài chính, thương mại mua sắm, đổi mới sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao, trung tâm văn hóa của đất nước và Đông Nam Á.

Để phục hồi, ông Hoan cho biết TPHCM đang triển khai 7 nhóm giải pháp lớn. Trong đó có một số nội dung như tái cấu trúc khu công nghiệp, khu chế xuất, khuyến khích doanh nghiệp triển khai áp dụng công nghệ mới, đồng thời, tổ chức thành công diễn đàn kinh tế của TP diễn ra vào tháng 4/2022 với chủ đề về chuyển đổi số.

Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh nhóm giải pháp liên quan tới khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực cho thành phố, chỉnh trang đô thị. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thông qua chương trình kích cầu đầu tư.

Để phục hồi nền kinh tế, lãnh đạo TPHCM kiến nghị Chính phủ quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn cho việc ưu tiên vốn đầu tư công cho một số dự án, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN.

"Đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tuy nhiên vừa qua khó khăn, nhiều trường hợp phá sản hoặc không có nhiều tài sản thế chấp vay vốn. Hỗ trợ họ tuy ít nhưng tốc độ họ phục hồi nhanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động", ông Hoan nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh