Sẽ có kẻ thắng, người thua, doanh nghiệp khó tồn tại nếu không kịp thời thích ứng
Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra sáng nay (5/6) tại Hà Nội cùng 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương cho biết, EU là đối tác lớn của Việt Nam với 27 quốc gia thành viên, là khu vực có GDP lên tới 18 nghìn tỷ USD.
“Đối với EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%”, ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Trần Tuấn Anh kỳ vọng việc hội nghị có thể đưa ra những thống nhất với nhau để có kế hoạch hành động nhằm mang lại lợi ích cụ thể, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực sự trở thành chủ thể, là những người được thụ hưởng FTA này.
Hội nghị thu hút sự quan tâm từ phía cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Để làm được điều đó, chính quyền địa phương các cấp đặc biệt là các cơ quan chức năng sẽ phải luôn đồng hành và bám sát những đòi hỏi yêu cầu của quá trình thực thi FTA này để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp", ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho biết, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Ông Thân ví hiệp định như “làn gió mát lành” thổi vào khát vọng vươn lên của kinh tế Việt Nam, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy giảm và khó khăn trước tác động của Covid-19.
“Còn đối với người tiêu dùng, họ sẽ được mua các sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan. Người lao động cũng gia tăng cơ hội việc làm khi EVFTA được thực thi”, ông Thân nói.
Tuy nhiên ông Thân cũng cho biết doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với loạt thách thức rất lớn, thậm chí doanh nghiệp phải đối mặt với cả sự “sống còn".
“EVFTA là một sân chơi thương mại giữa EU và Việt Nam, nói đến sân chơi thì điều không thể tránh khỏi là sẽ có người thắng và người thua, do vậy sẽ có rất nhiều thay đổi đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thay đổi, nếu không thay đổi và thích ứng kịp thời thì doanh nghiệp có thể sẽ không tồn tại được", ông Thân nói.
Thị trường EU vô cùng khó tính, lo doanh nghiệp Việt thiếu vốn, hụt hơi
Khi chúng ta mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hoá EU, đồng nghĩa với việc chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, vốn là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hoá chất lượng cao, mẫu mã đẹp, sức cạnh tranh cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế.
Trong khi đó, việc tiếp cận thị trường EU không phải dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thị trường EU rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước loạt khó khăn như vậy, ông Thân khuyên các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu cơ hội cũng như thách thức từ hiệp định.
“Thời đại hội nhập mà không đi nghe, đi hiểu thì rất nguy hiểm. Không cẩn thận chúng ta không những thua về khả năng mà còn thua cả về luật", ông Thân cho rằng sự chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng trong sân chơi EVFTA.
Cũng theo ông Thân, nguồn vốn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, đây là nút thắt vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
“Bước vào thực thi EVFTA, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở vì nguồn vốn hạn chế. Trong khi các điều kiện của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hoá… là rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư rất dễ”, ông Thân nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến và các đề xuất từ phía lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ trưởng Công Thương cho biết: “Chúng tôi xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là trọng tâm trong việc hỗ trợ. Các chương trình sắp tới đều hướng vào đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Ông Tuấn Anh cho biết sẽ mau chóng trao đổi, phối hợp với phía Ngân hàng Nhà nước để có cơ chế tín dụng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 70%.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp khu vực nhỏ và vừa cho biết, doanh nghiệp khó khăn cả về vốn, nguồn lực. Vị này cũng cho biết, thực tế bây giờ mọi thứ vẫn còn “chung chiêng", khiến nhiều doanh nghiệp khó nắm bắt cơ hội.
Do vậy, vị này đề xuất Bộ Công Thương làm việc với các bộ ngành liên quan đưa ra bộ tiêu chuẩn quốc gia, đưa ra các tiêu chí cụ thể trong việc ưu đãi.
Vị này cũng kiến nghị sắp tới nên triển khai nhiều hội chợ trên nền tảng số hoá. đỡ tốn kém. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể đưa lên số hoá. Không cần thiết đầu tư tiền vào hội chợ quá lớn, quá tốn kém.
Một doanh nghiệp thủ công mỹ công ở TP.HCM cho rằng, EU là thị trường cực kỳ khó tính. Để xuất khẩu được sang thị trường này, đại diện doanh nghiệp cho biết họ phải đầu tư rất lớn. “Phải đầu tư nghiêm túc, học hỏi tìm hiểu và tìm hiểu kỹ về quy tắc, chất lượng để đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác EU", vị này cho hay.
Nguyễn Mạnh