Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 1,6 triệu tấn, tương ứng 608 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và giảm 4,1% giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Lý do là bởi sự sụt giảm mạnh về cầu, với mức giảm 55% về lượng và 55% về giá trị so với cùng kì năm trước.
Riêng xuất khẩu tinh bột sắn vẫn tăng trưởng ổn định, giá trị xuất khẩu đạt 552 triệu USD, tăng 8,55%.
Tuy nhiên, so với tháng trước, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tháng 8 có sự phục hồi nhẹ, một phần là do tồn kho tại các doanh nghiệp ở Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu.
Sắn là một trong 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ USD trong ngành nông nghiệp
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sản và các sản phẩm từ sắn sang các thị trường hầu hết đều suy giảm, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc tăng 9% về lượng (đạt 67,7 nghìn tấn) và tăng 12,5% về giá trị (đạt 19,6 triệu USD) so với cùng kì năm 2018.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, chiếm tới 88,5% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Song, xuất khẩu sang thị trường này đang có chiều hướng sụt giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2019 giảm 4,1% về khối lượng và giảm 9,6% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu sắn sụt giảm mạnh là bởi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu từ Lào và Campuchia. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), lượng sắn và sản phẩm từ sắn Trung Quốc nhập khẩu từ Campuchia tăng 74,5% và Lào tăng 246% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm trước.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của ngành hàng tỷ USD này.
Trước tình hình trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo các tháng cuối năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sắn của Việt Nam giảm mạnh
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sẽ khởi sắc trở lại. Bởi, nguồn cung sắn và sản phẩm từ sắn trở nên khan hiếm do sản lượng sắn tại Tây Nguyên giảm mạnh bởi khô hạn và dịch bệnh (ước giảm tới 50%). Trong khi đó, hạn hán và dịch bệnh dự kiến cũng làm giảm 20% sản lượng của Thái Lan trong niên vụ 2019-2020.
Tương tự, sản lượng sắn của Campuchia dự báo niên vụ 2019-2020 tiếp tục giảm thêm 20%. Quan trọng nhất là tồn kho tại các doanh nghiệp của Trung Quốc gần như bằng không.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, sắn là loại cây hàng hóa được trồng rộng rãi từ Bắc vào Nam với tổng diện tích lên tới 560.000 ha, trở thành một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Hiện, khối lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đang chiếm 27,3% tổng thương mại sắn trên toàn cầu, xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Song, xuất khẩu sắn vẫn đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi tới gần 90% tổng khối lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam là bán sang thị trường này.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường mới ngoài Trung Quốc nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường dẫn tới dễ bị ép giá.
Mới đây, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy quy mô nhỏ, hộ gia đình phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người nông dân và các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, tăng cường khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị. Hiệp hội Sắn cũng đề nghị thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hóa tại 2 đầu cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Theo Tâm An
VietnamNet