Fica
  1. Thời sự

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

TPHCM luôn là “anh cả” trong phát triển kinh tế của cả nước. Thành phố luôn có mức đóng góp GDP hàng đầu và cũng là điểm đến của các nhà đầu tư tỷ đô, các doanh nghiệp “khổng lồ”…

Luôn là “đầu tàu” kinh tế

TPHCM luôn là địa phương có nền kinh tế sôi động, phát triển bậc nhất tại Việt Nam. Những doanh nghiệp hàng đầu trong nước, những tập đoàn quốc tế hùng mạnh hay những thương hiệu nổi tiếng thế giới đều quy tụ về thành phố mang tên Bác.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế được cả nước áp dụng được bắt nguồn từ TPHCM.

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 1

Diện mạo của TPHCM chụp từ trên cao

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 2

Thành phố luôn tiên phong trong việc xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, xây dựng các khu đô thị hiện đại, phát triển thị trường Khoa học công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển…

Đóng góp GDP dẫn đầu cả nước

Kinh tế TPHCM luôn đạt được nhiều kết quả nổi bật với nhiều chỉ số tăng cao hơn so với mức tăng của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TPHCM đạt mức tăng trưởng 7,86% (cả nước tăng 7,02%). GRDP của thành phố đóng góp đến 22,27% cho GDP của cả nước. 

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước của thành phố tăng 9%, trong đó thu từ xuất nhập khẩu tăng 12%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 30%.

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 3

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 4

Năm 2019, TPHCM có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,9 tỷ USD, tiếp theo là nhóm hàng hóa khác đạt 7,8 tỷ USD. Đứng thứ ba là hàng dệt may đạt 5,6 tỷ USD; giày dép với 2,6 tỷ USD và thứ năm là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD.

Vốn đầu tư nước ngoài “rót” hơn 8 tỷ USD/năm

Với tốc độ phát triển kinh tế ổn định, tăng trưởng cao, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn TPHCM là điểm đến. TPHCM là một trong những thành phố có nền kinh tế hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á và kể cả châu Á.

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 5

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 6

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 7

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 8

TPHCM: Những dấu ấn kinh tế nổi bật sau 45 năm giải phóng - 9

Năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một mảng sáng của bức tranh kinh tế TPHCM. Thành phố đã thu hút được hơn 8 tỷ USD, đưa TPHCM trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư FDI năm 2019.

Năm 2019, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước thì TPHCM thu hút được 8,3 tỷ USD (tăng 39,45% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018).

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.320 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,84 tỷ USD (bằng 128,28% số dự án cấp mới và 234,62% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Trong số các dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 309 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 858,73 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn).

Ngoài ra, TPHCM cũng chấp thuận cho 5.720 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 5,59 tỷ USD.

Doanh nghiệp thành lập mới “hùng hậu”

Chính vì nền kinh tế sôi động mà TPHCM luôn có lực lượng doanh nghiệp thành lập mới đông đảo. Riêng thành phố đã chiếm gần 1/3 tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước mỗi năm. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập ở TPHCM cũng chiếm hơn 51% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp trên cả nước.

Cụ thể, năm 2019 TPHCM có 44.004 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 643.244 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp được thành lập của cả nước là hơn 138.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là hơn 1,25 triệu tỷ đồng.

Ngành nghề được đăng ký thành lập mới nhiều nhất là bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe động cơ khác chiếm tỷ trọng cao nhất là 35,4%. Tiếp theo là khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 10,8%; Xây dựng chiếm 9,5%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 9,3%. Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 6,7%.

Việc thành lập hàng chục ngàn doanh nghiệp mới mỗi năm tại thành phố cũng giải quyết “bài toán” việc làm cho hàng triệu người dân thành phố.

Xây dựng thành phố thông minh

TPHCM đang gấp rút triển khai xây dựng thành phố thông minh. Thành phố thông minh có 4 cấu phần trọng tâm.

Cấu phần 1 là khai thác kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu mẫu được đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung. Cấu phần thứ hai là xây dựng Trung tâm điều hành chỉ huy được đặt ở UBND thành phố. Cấu phần thứ ba là Trung tâm Dự báo và Mô phỏng phát triển kinh tế xã hội. Cấu phần thứ tư là Trung tâm An ninh - an toàn mạng.

Quận 1 và Quận 12 là hai địa phương thí điểm đô thị thông minh đầu tiên của thành phố. Các quận, huyện còn lại đang gấp rút triển khai và rút kinh nghiệm đi trước từ 2 quận thí điểm.

Song song đó, hiện các sở, ngành cũng đều chủ động triển khai các đề án ứng dụng công nghệ thông tin như: Công an thành phố triển khai Trung tâm điều hành chỉ huy, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai Trung tâm Điều hành Giao thông thông minh, Sở Y tế tích cực xây dựng bệnh ánh điện tử…

Việc xây dựng thành phố thông minh là vô cùng cần thiết, bởi những thành phố phát triển hàng đầu thế giới cũng phải bắt đầu từ thành phố thông minh, điển hình như: Paris, Tokyo, Singapore, Toronto, Seoul…

TPHCM trở thành Trung tâm tài chính

UBND TPHCM đang triển khai phối hợp với Đại học Fulbright để xây dựng Đề án trung tâm tài chính của quốc gia đặt tại thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên thế giới để báo cáo, đề nghị với Trung ương đưa nội dung này vào Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia thời gian tới. TPHCM mong muốn đây là trung tâm tài chính của cả nước, chứ không chỉ riêng TPHCM.

Hiện nay, TPHCM đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, thành phố cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục.

Sự nghiệp đổi mới đất nước khởi đầu từ những sáng kiến và cải cách ở TPHCM. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ TPHCM sớm thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Quế Sơn
Ảnh: Phạm Nguyễn