Báo cáo vừa công bố của Chứng khoán SSI cho biết, GDP quý 2 tăng 6,71%, là mức tăng trưởng thấp nhất 8 quý gần đây của Việt Nam.
Trong đó, hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc. Một số ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ và ngành xây dựng duy trì tăng trưởng ổn định cùng khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương đã giúp GDP không giảm sâu.
Cụ thể, GDP ngành nông nghiệp quý 2 chỉ tăng 1,03%, thấp hơn nhiều quý 1 cũng như cùng kỳ 2018. GDP Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,9% trong quý 2, thấp hơn so với quý 1 là 11,5%.
Việt Nam cần tỉnh táo trong chính sách tiền tệ |
Theo nhận xét của SSI, các số liệu vĩ mô quý 2 đã nhấn mạnh thêm về sự giảm tốc của nền kinh tế. Điểm tích cực là các cân đối vĩ mô bao gồm lạm phát và tỷ giá vẫn được kiểm soát tốt.
Nhìn sang các quý tiếp theo, SSI cho rằng, khó khăn của ngành nông nghiệp cùng với động lực “lọc hóa dầu” giảm bớt sẽ kìm hãm tốc độc tăng trưởng chung. Khi tăng trưởng chậm lại, có hai vấn đề cần lưu ý để có những chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Một là về giải ngân đầu tư công. Theo lưu ý của SSI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng tăng 10,3%, nhỉnh hơn so với cùng kỳ là 10,1% nhờ đầu tư của khối tư nhân và khối FDI. Đầu tư từ khối nhà nước tăng thấp, tăng 3% trong đó vốn từ ngân sách tăng 3,7% (cùng kỳ tăng 9,4%).
Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách đến 15/6 mới đạt 26% kế hoạch năm cho thấy giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đang không chỉ gây lãng phí mà còn làm lỡ cơ hội tạo tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại.
Hai là về kiểm soát nhập khẩu. SSI cho biết, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang tăng rất nhanh, gấp 5 lần cùng kỳ lên con số 1,7 tỷ USD làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô trong nước.
Chuyên gia SSI khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục nâng các hàng rào bảo hộ song song với các chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu dùng không chỉ với ô tô mà còn với nhiều mặt hàng công nghiệp có thể tự sản xuất trong nước.
“Xu hướng bảo hộ và thương mại công bằng cần được vận dụng, đặc biệt là với các quốc gia có trình độ phát triển gần với Việt Nam như nhóm nước ASEAN” - báo cáo của SSI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giới đều đang tính đến việc giảm lãi suất để kích thích kinh tế, Việt Nam cần phải rất tỉnh táo để tránh lặp lại những đổ vỡ do nới lỏng tiền tệ.
Theo SSI, đầu tư công và bảo hộ chính là hai biện pháp kích cầu mà không cần phải nới lỏng tiền tệ. Trong khi các lựa chọn đó chưa được sử dụng thì việc nới lỏng tiền tệ là không cần thiết nhằm giữ lại một dư địa chính sách nhất định để đối phó với những diến biến thế giới rất khó lường trong tương lai.
Mai Chi