Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng âm, điều mà khủng hoảng 2009 chưa xảy ra
Do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý 1 theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ đạt 3,82%, đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng của SSI cho rằng, có lẽ chưa bao giờ Việt Nam lại phải chịu “combo” tam tai như năm nay.
Theo vị chuyên gia, ngoài dịch Covid-19 bùng phát là nguyên nhân chính thì còn có 2 tác động khác cũng kéo tụt tăng trưởng là khô hạn mặn tại ĐBSCL và giá dầu.
“GDP quý 1 có một chút may mắn nên tăng được 3,82%, sang quý 2, nếu còn tiếp tục may mắn thì sẽ giữ được khoảng 1%, còn không thì sẽ âm”, chuyên gia SSI nhận định.
Vũ Thành Tự Anh: Sẽ trả giá đắt nếu chạy theo GDP, xao lãng chống dịch
TS. Vũ Thành Tự Anh: Không nên chạy theo GDP mà xao lãng mục tiêu chống dịch.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu cấp bách đối với từng quốc gia cũng như toàn thế giới là phải phản ứng nhanh nhất và hiệu lực nhất với tất cả các nguồn lực có thể có để ngăn chặn khủng hoảng y tế trở thành khủng hoảng kinh tế và thậm chí trở thành khủng hoảng tài chính và nợ công.
Tuy nhiên, khi các quốc gia thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch bệnh, một mặt giúp giảm tình trạng lây nhiễm, nhưng đồng thời khiến kinh tế suy giảm trầm trọng hơn khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng, phân phối bị ngừng trệ do các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa. Suy thoái kinh tế là cái giá không thể tránh khỏi khi chống dịch.
Nhấn mạnh đây là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo: Không nên chạy theo GDP mà xao lãng mục tiêu chống dịch.
“Giữ tốc độ tăng trưởng không phải là mục tiêu chính yếu lúc này. Mục tiêu tối thượng là làm thế nào bảo toàn lực lượng để có thể chuẩn bị nền tảng hồi phục khi bước ra khỏi khủng hoảng. Lực lượng ở đây là sự sống của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, của hệ thống ngân hàng – tài chính và niềm tin của người dân đối với Nhà nước”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia giàu kinh nghiệm này, nếu vì tiếc một vài điểm % tăng trưởng GDP mà xem nhẹ hay chấm dứt các biện pháp chống dịch quá sớm thì chúng ta có thể phải trả giá đắt.
Công bố “bom tấn” tài chính lớn “chưa từng có” chống dịch Covid-19
Sáng 10/4, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu các giải pháp về chính sách tài khóa:
- Dự kiến có khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 740.000 doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng.
- Thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô (6.000 tỷ đồng).
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020, theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021.
- Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân
- Phối hợp tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng như giá điện, than, gas, xăng dầu….
- Ưu tiên bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch…
Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao
Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao (khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu).
Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.
Đặc biệt theo Bộ Công Thương cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 dựa theo mức độ phát thải (75 - 80%) mức thuế đối với xăng khoáng.
Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại ngay trong tháng 4
Xét đề nghị của Bộ Công Thương ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại văn bản trên.
Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất.
Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Ngoài ra cần báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4.
Mai Chi (tổng hợp)