Fica
  1. Thời sự

Tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2023 có thể đạt trung bình 6,76%/năm

Nguyễn Tuyền
Nguyễn Tuyền

Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

Đây là dự báo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam”, ngày 22/4. Báo cáo thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM đánh giá từ năm 2020 đến nay, chúng ta đã phải trải qua nhiều biến động về kinh tế - xã hội và không ít khó khăn, hệ lụy tiêu cực do đại dịch COVID-19. Ngay cả đến thời điểm này, đại dịch vẫn có những diễn biến hết sức khó lường. "Cùng với những tiến bộ trong việc phát triển và phổ biến vắc xin tại nhiều nước, chúng ta vẫn nghe được thông tin, đánh giá quan ngại về khả năng xuất hiện các biến thể virus mới, hay khả năng bảo đảm tiếp cận mở, kịp thời và công bằng đối với vắc xin trên bình diện toàn cầu", bà Minh chia sẻ. 

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM)

Với phản ứng quyết liệt và khá sớm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát COVID-19. Công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp... tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước.

Theo đó, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, và phục hồi ở mức 4,48% trong Quý I/2021. Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19, kết quả tăng trưởng này của Việt Nam cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Á. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bà Minh cho rằng vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, nhiều đánh giá về diễn biến dịch, hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam và các yêu cầu cải cách trong thời gian tới. Nhiều chủ trương, định hướng khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được đề cập trong nhiều văn bản chiến lược. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhìn nhận không ít yêu cầu cải cách mà ta xác định từ trước năm 2020 – về môi trường kinh doanh, độ mở với các mô hình kinh tế mới, phát triển bền vững – thì đến giờ vẫn rất phù hợp. Chính vì vậy, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 lại có một phần tác động tích cực là buộc các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh những cải cách ấy", bà Minh nói.

Theo Viện trưởng CIEM, mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế. 

Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong 3 năm tới (giai đoạn 2021-2023), CIEM đưa ra 3 kịch bản. Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

"Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định", CIEM đánh giá.

An Linh