Thiếu hụt điện nghiêm trọng từ 2021
Báo cáo cập nhật ngành điện vừa được Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) công bố cho hay, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam ước tính đạt khoảng 235 – 245 tỷ kWh vào năm 2020, 352 – 379 tỷ kWh vào năm 2025 và tăng mạnh vào năm 2030, đạt khoảng 506 – 559 tỷ kWh.
Có đến 47 trên 62 dự án nhà máy điện công suất lớn trên 200 MW bị chậm tiến độ
Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện ước tính giai đoạn 2020 – 2025 là 8,42%, giai đoạn 2025 – 2030 là 7,53%. Tổng công suất nguồn điện cũng được quy hoạch tăng trưởng với tốc độ tương ứng. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2020 là 60.000 MW, tăng 1,5 lần lên 96.500 MW vào năm 2025 và tăng gấp đôi vào năm 2030 lên 129.500 MW.
Tuy nhiên, theo báo cáo chính thức Bộ Công Thương công bố vào tháng 6 năm 2019, trong 62 dự án nhà máy điện có công suất lớn trên 200 MW thì có đến 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này dẫn đến tổng công suất các nguồn điện có khả năng đi vào vận hành thấp hơn Quy hoạch 10.000 MW.
Do đó, hệ thống dự phòng điện hầu như không còn, đến cuối năm 2019 và bắt đầu từ năm 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng. Trong đó, miền Nam vẫn là nơi thiếu hụt điện nhiều nhất với mức thiếu hụt dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh vào năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh vào năm 2020 và cao nhất là thiếu 12 tỷ kWh vào năm 2023.
Dựa trên giả định nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam trong các năm tới theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, các chuyên gia CTS ước tính trong kịch bản tiêu cực, giai đoạn 2020 – 2021 Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 – 15 tỷ kWh điện và đến năm 2025 sẽ thiếu hụt khoảng 15 – 20 tỷ kWh.
Tăng nhập từ Trung Quốc, tăng nhiệt điện than?
Cũng theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 6,4 tỷ kWh điện từ năm 2020 – 2025.
Tuy nhiên, CTS đánh giá với việc xây dựng các nhà máy điện liên tục bị chậm tiến độ; cộng thêm giá mua điện nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ vào 6,86 cent/kWh - thấp hơn mức giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than hiện nay là trên 7 cent/kWh thì có khả năng cao sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không chỉ dừng ở con số 6,4 tỷ kWh.
"Trong điều kiện nguồn cung thủy điện đã hết và không ổn định, nguồn nguyên liệu than và khí trong nước cho nhà máy nhiệt điện không được đảm bảo thì việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc là giải pháp bắt buộc cho tình thế thiếu điện trầm trọng trước mắt. Sản lượng điện mua thêm gấp đôi từ năm 2020 so với năm 2018" - báo cáo của CTS nhận định.
Thiếu điện cũng mở ra cơ hội lớn để trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện công suất lớn với thời gian xây dựng ngắn (điện khí, điện mặt trời) để đáp ứng nhu cầu tiêu thu điện tại Việt Nam đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, tính thời điểm hiện tại, tiềm năng thủy điện của Việt Nam gần như đã được khai thác hoàn toàn. Các địa điểm có điều kiện thích hợp để xây dựng nhà máy thủy điện công suất lớn gần như đã hết.
Trong giai đoạn từ năm 2013 trở về trước, công suất đặt của thủy điện luôn chiếm phần lớn và là nguồn sản xuất điện chính của Việt Nam. Song do đặc tính của thủy điện là phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino.
Đồng thời, khí hậu và thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, hạn hán thường xuyên xảy ra khiến cho thủy điện không thể là nguồn cung điện ổn định và an toàn. Chính vì vậy, tỷ trọng của thủy điện trong cơ cấu nguồn điện liên tục giảm và dần được thay thế bằng nhiệt điện than.
Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than sẽ được tập trung phát triển và trở thành nguồn điện chính thay thế thủy điện. Sản lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than dự báo sẽ tăng lên và chiếm khoảng 50% sản lượng toàn ngành.
Mai Chi