Thiệt hại nặng nề
Vừa qua, UBND tỉnh Long An đã tiến hành kiểm tra hàng loạt hầm khai thác đất trái phép trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hầm đất của Công ty Kim Cương (ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) khai thác nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được cấp phép khai thác. Việc khai thác của Công ty Kim Cương khiến một số hộ dân bức xúc và đứng trước nguy cơ bỏ trống hơn 4.000m2 đất nông nghiệp.
Hầm đất của Công ty Kim Cương khai thác nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được cấp phép.
Việc này khiến một số hộ dân đứng trước nguy cơ phải bỏ không hơn 4.000m2 đất nông nghiệp
Hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất là hộ bà Lê Thị Đẹp (SN 1958, ấp 5 xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Từ khi hầm đất Kim Cương đi vào hoạt động, gia đình bà Đẹp gần như mất đi nguồn thu nhập khiến gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn, nguy cơ bỏ đất trống.
"Trước năm 2017, gia đình tôi trồng lúa thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Gia đình tôi là nông dân nên chỉ trông chờ vào việc trồng lúa chứ không có nghề nào khác. Từ khi hầm đất Kim Cương khai thác lúa cứ chết dần khiến gia đình tôi mất hết thu nhập. Nguyên nhân do phèn từ hầm đất Kim Cương chảy qua làm lúa cháy rồi chết. Sau đó tôi phải chuyển qua trồng sen nhưng phèn cũng làm sen chết dần chết mòn, hiện thu nhập từ bán sen cũng không đủ để gia đình tôi sinh sống", bà Đẹp bức xúc.
Bà Đẹp đứng nhìn ruộng sen bị phèn làm chết dần chết mòn
Theo bà Đẹp, năm 2017 hầm đất của Công ty Kim Cương do một hộ dân trên địa bàn khai thác. Vị trí hầm đất giáp ranh với phần diện tích trồng lúa của gia đình bà.
Khi hầm đất khai thác, nước trên ruộng lúa nhà bà chảy hết xuống hầm khiến ruộng khô, lúa chết. Sau đó, bà Đẹp phản ánh với cơ quan chức năng và chủ hầm bị phạt vì khai thác trái phép. Tiếp đó, hộ dân trên bán lại cho Công ty Kim Cương khai thác trái phép đến thời điểm hiện tại.
"Tôi nhiều lần gửi đơn về UBND tỉnh, UBND huyện và đều được trả lời là hầm đất khai thác không có giấy phép. Hầm đất này chỉ được đào hầm nuôi cá, không được vận chuyển đất đi, không được để sạt lở đất, ảnh hưởng đến những người lân cận. Tuy vậy, không hiểu vì sao các cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm để hầm đất trên ngưng hoạt động. Cứ mỗi khi đoàn kiểm tra đến thì hầm đất ngưng một thời gian rồi lại hoạt động tiếp. Mỗi ngày hàng trăm lượt xe chở đất từ hầm đi bán cho các công trình san lấp lân cận", bà Đẹp chia sẻ thêm.
Những hầm đất trái phép trở thành nỗi ám ảnh bức xúc của người dân.
Không chỉ riêng bà Đẹp, một số hộ dân tại đây cũng đã gửi đơn kêu cứu vì ảnh hưởng đến việc trồng trọt. Những người dân nơi đây chỉ mong chính quyền địa phương ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép hầm đất để người dân không bị ô nhiễm môi trường, đất đai không bị ảnh hưởng.
Khai thác trái phép để... có tiền trả nợ?
Trao đổi về phản ánh của người dân, ông Đào Anh Thơ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mộc Hóa khẳng định, hầm đất Công ty Kim Cương đang khai thác chưa được cấp phép. Hiện doanh nghiệp này đang tiến hành các thủ tục xin phép khai thác. Các Sở, ngành đã nhiều lần nhắc nhở nhưng doanh nghiệp này cố tình khai thác khi chưa có giấy phép.
Ông Đào Anh Thơ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mộc Hóa - xác nhận hầm đất Kim Cương không phép.
"Hiện nay, Sở TN-MT tỉnh Long An đã nắm bắt vụ việc. Sở đã nhờ một bên trung gian đo đạc số lượng đất khai thác trái phép, khảo sát để đưa ra mức phạt theo quy định. Đến nay, công ty Kim Cương đang xin giấy phép. Trước đây, Công ty Kim Cương đã bị phát hiện khai thác trái phép 35m3 đất và bị phạt 50 triệu đồng".
Theo ông Thơ, UBND huyện Mộc Hóa cũng đã nhiều lần nhắc nhở Công ty Kim Cương nhưng công ty này vẫn cố tình hoạt động. Huyện cũng đã thông báo với chính quyền xã, công an môi trường thường xuyên kiểm tra, nếu gặp trường hợp khai thác trái phép sẽ tạm giữ phương tiện. Tuy vậy, không hiểu vì sao gần 3 năm qua, Công ty Kim Cương vẫn... hoạt đồng bình thường (!).
"Cơ quan quản lý nhà nước đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng doanh nghiệp không chấp hành. Để xảy ra sai phạm là trách nhiệm của ngành TN-MT và của địa phương" - ông Thơ thừa nhận.
Tuy nhiên ông Thơ khẳng định, việc Công ty Kim Cương khai thác hầm đất trái phép không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà Đẹp. Theo ông Thơ phân tích, "độ phèn sẽ đổ xuống chiều sâu chứ không thể tràn sang ngang đất nhà bà Đẹp được. Đây là tôi xét theo mức độ cảm tính do phòng không có máy móc, thiết bị để đo. Thực chất vùng đất này là vùng đất phèn từ lâu rồi".
Về nguyên nhân lúa chết, sen chết trên ruộng nhà bà Đẹp, ông Thơ cho biết chưa rõ nguyên nhân.
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi trao đổi với bà Diệp Thị Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản Kim Cương.
Bà Hiếu cho biết Công ty Kim Cương được thành lập tháng 12/2017. Bà Hiếu mua tổng cộng 7ha đất để khai thác đất bán cho các công trình xây dựng lân cận. Trung bình mỗi ngày bà cho khai thác khoảng 70 xe đất (mỗi xe 10m3) và bán với giá 600.000 đồng/xe.
Bà Hiếu phân trần cố khai thác đất để có tiền trả nợ.
Bà Hiếu cũng cho biết bà đang xin giấy phép hoạt động hầm đất. Hiện công ty đã xin xong phần đánh giá tác động, cải tạo môi trường. Do khai thác trái phép nên Sở TN-MT đang xem xét mức xử phạt, sau đó mới tiến hành các thủ tục cấp giấy phép hoạt động.
Vị trí 1: Nhà bà Đẹp. Vị trí 2: Khu nhà xưởng của bà Hiếu. Vị trí 3: Cầu dẫn vào khu đất của bà Đẹp và bà Hiếu.
Riêng về việc xâm nhập phèn qua phần đất của gia đình bà Đẹp, bà Hiếu cho biết đã cho người làm đường kênh để hạ phèn. Bà Hiếu cũng đang thương lượng để mua lại phần đất của bà Đẹp để mở rộng hầm đất. Tuy nhiên hai bên chưa thỏa thuận được giá mua.
"Tôi cũng biết mình khai thác trái phép, ở huyện, xã cũng cảnh báo rồi nhưng tôi nợ ngân hàng phát mãi, mình không làm thì không có tiền trả nợ. Tôi đang đi vay mấy tỷ, lãi trong lãi ngoài. Tôi mong sao được đóng phạt để có giấy phép làm ăn, nếu hầm đất không hoạt động chắc tôi bể nợ chết", bà Hiếu phân trần lý giải về việc mình cố tình khai thác đất trái phép.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn