Fica
  1. Thời sự

Phó Chủ tịch TPHCM: 1 vụ việc "đón" tới 5 đoàn thanh, kiểm tra

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón 15 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về công tác tài chính - ngân sách.

Báo cáo tại Hội nghị ngành tài chính diễn ra sáng nay (18/6), ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón 15 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về công tác tài chính - ngân sách.

"Có một vụ việc nhưng có tới 5 đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành thuế có 6 đoàn. Thực tế, mất rất nhiều thời gian để đầu tư vào công việc tiếp đón các đoàn thanh, kiểm tra"- ông Tuyến cho hay.

undefined
 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện trên 35,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm....

Kết quả đã kiến nghị xử lý tài chính trên 7,2 nghìn tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách Nhà nước 4,6 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Tính đến hết tháng 6, thu ngân sách Nhà nước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: thu dầu thô đạt 82,4% dự toán, tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,9% dự toán, tăng 6,9%; thu nội địa đạt 47,6% dự toán, tăng 15,5% (cùng kỳ năm 2017 đạt 45,8% dự toán, tăng 12,9%).

Tuy nhiên, tiến độ thu từ 3 khu vực quan trọng là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh đạt thấp so với yêu cầu dự toán (tương ứng đạt 43,7%, 38,7% và 47,8% dự toán).

Đáng chú ý là thuế thu nhập doanh nghiệp từ các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) đạt 39% dự toán; thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành viễn thông (Viettel, Mobifone, VNPT) đạt 34,3%;

Thu từ các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá cũng chỉ đạt 44,9%, danh nghiệp sản xuất rượu bia đạt 44%, doanh nghiệp khai thác than đạt 39,7%; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 36,8% dự toán.

Trong tổng số thu ngân sách Nhà nước 6 tháng nêu trên, thu ngân sách trung ương đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán.

Riêng về thu nội địa, cả nước mới có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán; cá biệt một số địa phương thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, đạt thấp, dưới 40% dự toán.

Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước ước đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có 8/85 doanh nghiệp theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 29,4 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp đã thoái được 2,5 nghìn tỷ đồng, thu về 6,4 nghìn tỷ đồng, trong đó: thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm là 434 tỷ đồng, thu về 507 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 8 doanh nghiệp với giá trị 211 tỷ đồng, thu về 2,6 nghìn tỷ đồng; thoái 1,8 nghìn tỷ đồng và thu về trên 3,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư các lĩnh vực khác.

"Nhìn chung, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước còn chậm. Lũy kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến nay, tổng số vốn nhà nước đã bán chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Bộ Tài chính đánh giá.

Phương Dung