Công trình bờ kè phía Nam sông Đắk Bla, TP Kon Tum có tổng vốn mức đầu tư lên đến 95 tỷ, với chiều dài 1.500m, được hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012. Đây không những là công trình quan trọng bảo vệ bờ sông Đắk Bla không bị sạt lở và tạo mỹ quan cho TP Kon Tum mà còn là dấu ấn kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum.
Nhưng trong thời gian gần đây, công trình này đang bị phá hoại nghiêm trọng, hàng loạt rào chắn và tấm đan lắp đặt trên hệ thống thoát nước vỉa hè bị đập phá không thương tiếc, hành vi được diễn ra ngay cả giữa thanh thiên bạch nhật.
Công trình trăm tỷ "nham nhở" vì bị kẻ gian lấy sắt đi bán phế liệu
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, hàng trăm thanh lan can bằng sắt có kích thước chừng 60 cm x 3 m bị các đối tượng lấy trộm. Một số thành lân cận chưa bị lấy nhưng cũng đã bị đập biến dạng không sử dụng được. Trụ lan can bằng sắt bị nhổ lên khỏi mặt đất.
Cùng với đó, hệ thống thoát nước bằng bê tông cũng bị đập nát nhằm mục đích lấy phần sắt bên trong. Nhiều vị trí bị phá hoại dấu vết đã cũ, cỏ mọc xung quanh. Xung quanh các khu vực này là nương rẫy, không có người sinh sống.
Nhiều tấm sắt đã bị kẻ gian lấy mất trong thời gian dài
Khi chúng tôi có mặt tại đây, một thanh niên bịt kín mặt, đi xe máy vội vã bỏ số sắt vào bao rồi nhanh chóng lên xe máy bỏ đi. Nhiều thanh sắt dài lòi ra khỏi bao. Theo người dân địa phương, việc công trình này bị xâm hại đã diễn ra từ lâu nhưng cơ quan quản lý không có biện pháp ngăn chặn triệt để. Chính vì vậy, công trình này ngày càng bị xâm hại.
Những vật có thể lấy đi đều bị kẻ gian lấy dần
Ông Trương Cảnh Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Công ty cổ phần môi trường đô thị Kon Tum - đơn vị quản lý công trình cho biết, việc phá hoại tại khu vực bờ kè phía nam sông Đắk Bla đã xảy ra từ lâu, mỗi ngày mất một ít.
"Qua tìm hiểu có thể tạm xác định đối tượng đó là người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và thiếu niên phá hoại tài sản để bán đồng nát. Thời gian phá hoại thường diễn ra ngoài giờ hành chính, chủ yếu là ban đêm và các ngày cuối tuần. Công ty là một doanh nghiệp chưa có các chế tài xử lý các đối tượng. Đề nghị các cơ quan phối hợp để xử lý tình trạng phá hoại như hiện nay” - Ông Vinh thông tin cụ thể.
Nhiều tấm bảo vệ cũng bị đập ra để lấy sắt đi bán phế liệu
Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch HĐQT, kiểm Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum cho rằng: “Việc mất cắp gây nên nhiều hệ lụy. Do tài sản nằm ở ngoài trời, khu vực xung quanh không có người ở nên rất dễ bị trộm cắp. Để đảm bảo bảo vệ tải sản công, vừa rồi công ty đã tăng cường công tác kiểm tra. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm đều tra để mà tìm ra thủ phạm, bảo vệ tài sản nhà nước, răn đe người khác để giảm bớt tình trạng mất cắp”.
Phạm Hoàng