Chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều mối bận tậm lớn cần tập trung tháo gỡ.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng
Năm 2019 đã khép lại. Việt Nam đang được nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%). Bên cạnh đó, nợ công đang có xu hướng giảm dần, thặng dư thương mại gia tăng...
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam có 2 điểm ấn tượng.
Thứ nhất, năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Đáng chú ý, điều đó diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, bất ổn gia tăng, phải đối mặt với nhiều rủi ro khác dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam và đứng hai về thị trường xuất khẩu ở Việt Nam, còn Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
“Là một nền kinh tế chưa mạnh, lại có mức độ mở cửa lớn, trong bối cảnh đó, nền kinh tế vẫn giữa được sự ổn định, nhịp tăng trưởng tích cực, là điều đáng ghi nhận và suy ngẫm”, ông Thiên nhận định.
Theo vị chuyên gia, đây chính điểm quan trọng hàng đầu để đánh giá mức độ hấp dẫn đối với các dòng đầu tư và thương mại quốc tế cũng như dự báo triển vọng của nền kinh tế Việt Nam những năm tới.
Điểm sáng thứ hai, ông Thiên cho rằng, chưa bao giờ tiếng nói của doanh nghiệp và doanh nhân, đặc biệt khu vực tư nhân lại được quan tâm một cách tích cực như hiện nay. Khu vực tư nhân nội địa đang khởi sắc trở lại một cách mạnh mẽ, trong thế tranh đua với khu vực đầu tư nước ngoài.
“Trong bối cảnh tốc độ giải ngân của khu vực công rất chậm như hiện nay, khu vực tư nhân có cơ hội và điều kiện để chứng tỏ mình là một lực lượng tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế, là yếu tố đảm bảo ổn định vĩ mô. Không ai có thể phủ nhận được vai trò hàng đầu của khu vực tư nhân trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động”, ông Thiên nhận định.
Nhìn chung theo ông Thiên, rõ ràng tuy duy và đường lối phát triển kinh tế đang có những thay đổi rất ý nghĩa.
Doanh nghiệp đừng chỉ nghĩ “chộp giật", “kiếm chác"
Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng vẫn còn nhiều mối bận tậm lớn cần tập trung xử lý như các vấn đề về thể chế, bộ máy chưa được tháo gỡ vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới các trung tâm phát triển như TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang.
Bên cạnh đó, quá trình giải ngân đầu tư công đang ngày càng chậm dần, mặc cho những tháo gỡ khó khăn quyết liệt từ Chính phủ. “Xu hướng này cho thấy phân bổ nguồn lực “công" đang bị trục trặc nghiêm trọng. Trong khi đó vị thế đầu tư công vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang suy yếu. Có thể nói, căn bệnh căn cơ kéo dài chưa có phương án giải quyết hữu hiệu, rất đáng lo ngại", ông Thiên nhận định.
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần phải có cách tiếp cận căn bản và tổng thể, cần phải phát triển đầu vào cho nền kinh tế và xây dựng hệ thống luật lệ thị trường hiệu quả.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã “lùa" đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày một nhiều. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị tốt môi trường đầu tư để đón các dự án đầu tư “tốt" chưa”, ông Thiên cho rằng, đến nay chưa thể nói chúng ta đã chuẩn bị tốt rồi. Vấn đề này cần được cải thiện.
Trong giai đoạn sắp tới, ông Trần Đình Thiên cho rằng các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội mang lại từ các hiệp định như CPTPP, EVFTA.
“Tăng cường năng lực mọi mặt là điều kiện tiên quyết, không được phép chỉ tập trung vào “chộp giật", “kiếm chác" từ các cơ hội ngắn hạn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, công nghệ để thích ứng…”, ông Thiên nói.
Thời gian qua, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn đều được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng 2020 tiếp tục là năm gian nan, khó khăn, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có vấn đề.
Cũng theo ông Lộc, dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4. Dư địa lớn nhất của cải cách vẫn là thể chế.
Nguyễn Mạnh