Fica
  1. Thời sự

Ông Phan Đức Hiếu: Quyền của cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp đang "thiệt đơn, hại kép"

Nguyễn Tuyền
Nguyễn Tuyền

Bảo vệ nhà đầu tư tại các doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam chưa được đánh giá cao, nhiều cổ đông nhỏ lẻ đổ tiền vào doanh nghiệp nhưng không có tiếng nói, quyết định.

Đây là khẳng định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Thúc đẩy tạo thuận lợi gia nhập thị trường: "Vấn đề và giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ cổ đông thiểu số" tại CIEM sáng 28/2.

Theo ông Hiếu, các tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư tại Việt Nam hiện chưa được đánh giá cao và hiện có hàng loạt lỗ hổng trong bảo vệ nhà đầu tư liên quan đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện CIEM

Ông này cho rằng, các cổ đông muốn đầu tư tiền vào công ty nhưng lại không có quyền biết xem doanh nghiệp hoạt động ra sao. Luật quy định dể xem xét, trích lục biên bản hội đồng quản trị, nhưng nếu muốn thì phải thông qua 10% cổ đông công ty. 

Theo ông Hiếu: "Người cổ đông bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nhưng 6 tháng sau mới được có quyền sở hữu cổ phần đó". Bên cạnh đó, "khi cổ đông đầu tư tiền vào công ty lại không có quyền quyết định ngân sách cho hội đồng quản trị và người quản lý". 

Như vậy, trường hợp công ty làm ăn không tốt, hội đồng quản trị lại đòi lương cao thì các cổ đông nhỏ lẻ không được quyền can thiệp.

"Theo Luật, hội đồng quản trị chỉ báo cáo trong cuộc họp thường niên năm nay chi bao nhiêu tiền và đề nghị không chia cổ tức. Do đó, cần phải nâng quyền và phải bảo vệ lợi ích của cổ đông trước khi ra các quyết định quan trọng", Phó Viện trưởng CIEM cho biết.

Theo ông Hiếu, trong công ty cổ phần có rất nhiều cổ đông, theo Luật doanh nghiệp 2014, mọi quyết định trong công ty theo đa số. 

"Vậy giả sử, tôi thiết kế ra cổ phần ưu đãi để bán cho nhà đầu tư, sau đó sửa lại điều lệ về cổ phần ưu đãi này, thì các nhà đầu tư gần như bị lừa", ông Hiếu nói.

"Kinh nghiệm quốc tế cho biết, tất cả quyết định của công ty cổ phần mà ảnh hưởng đến thay đổi thì phải được thông qua các cổ đông, không trao quyền cho nhóm cổ đông chi phối, đa số vì ảnh hưởng tới các cổ đông khác", ông Hiếu phân tích.

Về minh bạch thông tin, theo ông Hiếu, lỗ hổng hiện nay là kiểm soát giao dịch có liên quan. Ông này cho rằng: Hiện một số giao dịch lớn phải do đại hội đồng cổ đông thông qua, nhưng vẫn có tình trạng xé lẻ giao dịch đó ra để đưa xuống hội đồng quản trị nơi những cổ đông lớn quyết. Trong khi thông lệ quốc tế thì cứ giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi đều phải do hội đồng cổ đông thông qua.

"Quốc tế đều yêu cầu dù làm đúng quyền và nghĩa vụ nhưng vẫn phải xét 3 yếu tố nữa là có trung thành, trung thực và cẩn trọng. Nếu anh làm đúng luật nhưng vi phạm 1 trong 3 yếu tố thì phải bồi thường toàn bộ hệ quả do anh gây ra", ông Hiếu nói.

An Linh