Đủ chiêu trò “ăn” điện
Theo Điện lực Hà Tĩnh, Hương Sơn là một trong những điểm nóng về gian lận sử dụng điện tại địa bàn tỉnh này. Từ đầu năm lại nay, Điện lực Hương Sơn đã phát hiện và xử lý 21 vụ gian lận trong sử dụng điện, truy thu số tiền lên tới gần 100 triệu đồng, tương đương gần 31.708 kWh.
Cùng với Hương Sơn, Kỳ Anh cũng là một điểm nóng về gian lận sử dụng điện. Từ đầu năm lại nay, qua kiểm tra những bất thường trên lưới, Điện lực Kỳ Anh đã phát hiện 49 vụ gian lận, đã xử lý 45 vụ với số tiền 235 triệu đồng, tương đương sản lượng bị chiếm dụng trái phép 69.480 kWh.
Ngoài hai địa phương nêu trên, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên… cũng là những địa phương đau đầu về vấn nạn “ăn cắp" điện ở Hà Tĩnh.
Công nhân Điện lực Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra hệ thống truyền tải.
Theo thông số mà Điện lực Hà Tĩnh cung cấp, tổng số vụ gian lận trong sử dụng điện trên địa bàn có xu hướng tăng. Năm 2017, Điện lực Hà Tĩnh phát hiện gần 180 vụ, truy thu 183.016 kWh điện, tương đương gần 525 triệu đồng. Năm 2018, đơn vị xử lý 130 vụ, truy thu 178.732 kWh, tương đương gần 558 triệu đồng. 6 trong đầu năm 2019 , số tiền xử phạt, truy thu các vụ ăn cắp điện đã đạt con số 380 triệu đồng.
Điều đáng nói, theo ông Trần Sỹ Bưởi, Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát, mua bán điện (Công ty Điện lực Hà Tĩnh), không chỉ gia tăng về số vụ vi phạm sử dụng điện, mà các chiêu trò “ăn cắp” điện của các đối tượng cũng tinh vi, khó phát hiện hơn.
Các hành vi được ghi nhận gồm: Phá niêm phong hộp, dùng dây đấu trực tiếp từ ổ nối hộp công tơ hoặc cắt dây mát nguồn vào công tơ để sử dụng mát ngoài; dùng dây điện câu trực tiếp để đấu vào phụ tải trong nhà; phá kẹp chì của móc đầu bót công tơ, nới lỏng cầu điện áp... Từ đó, các đối tượng ăn cắp điện sẽ vô hiệu hóa công tơ, gây thất thoát lượng điện năng lớn.
Ngoài ra, đối tượng ăn cắp điện không còn gói gọn trong khách hàng, mà đã xuất hiện tình trạng chính lao động hợp đồng dịch vụ điện nông thôn cũng tham gia đánh cắp điện, "xài điện chùa" bất chính.
Đơn cử, năm 2017, Nguyễn Kỳ H. (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) vốn là công nhân của HTX dịch vụ điện nông thôn trước đây đã tự động tháo dây nguồn trung tính của công tơ và dùng trung tính nối đất để ăn gian. Bị phát hiện, H. không từ bỏ mà tiếp tục ăn gian. H. tháo hộp công tơ, câu móc tại cầu đấu, sử dụng chia nguồn điện. Với hành vi gian lận này, H. làm thất thoát hơn 6.300KWh, phải hoàn trả cho ngành điện gần 20 triệu đồng.
Một trường hợp khác là Hoàng Văn H. ở xã Ích Hậu. Ngày 11/10/2018, ông H. tự ý mở hộp công tơ, dùng băng dính quấn vào phần dẫn điện của dây mát vào, làm cho công tơ mất mát, trong nhà ông H. sử dụng hệ thống nối đất để làm mát. Đồng thời, sử dụng 1 aptomat một đầu đấu vào tiếp đất, một đầu đấu vào dây mát ra của công tơ để đối phó với cơ quan chức năng.
Ngay khi phát hiện gian lận, Điện lực Lộc Hà đã xử lý ông H. theo quy định pháp luật, truy thu số tiền trên 16 triệu đồng, tương đương 5.112 kWh.
Chính quyền thiếu phối hợp trong xử lí?
Theo phản ánh, thực tế còn khá nhiều trường hợp vi phạm sử dụng điện trong nhân dân chưa bị phát hiện. Thực trạng này không chỉ gây tổn thất điện năng, làm thất thu lớn cho nhà nước, mà còn gây ra nhiều sự cố trên lưới, làm gián đoạn việc cung cấp điện trên địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người dân.
Một lãnh đạo Điện lực Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường hàng loạt giải pháp chống gian lận trong sử dụng điện, như: quản lý, theo dõi khách hàng có sự tăng giảm về sản lượng điện đột biến để phân tích, sàng lọc và khoanh vùng kiểm tra; lập kế hoạch kiểm tra định kỳ - đột xuất, kiểm tra ngày - đêm trên lưới; đầu tư các thiết bị, công nghệ phát hiện nhanh tình trạng “ăn cắp” điện…
Mặc dù vậy, theo vị này, ngành điện đang gặp phải những khó khăn trong kiểm tra, phát hiện, xử phạt các trường hợp gian lận sử dụng điện.
Một thiết bị công nghệ phát hiện nhanh tình trạng “ăn cắp” điện vừa được Điện lực Hà Tĩnh đưa vào sử dụng.
Khó khăn đầu tiên là ngoài người dân liều lĩnh, thì ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng am hiểu về điện tham gia “ăn cắp" điện một cách tinh vi. Các đối tượng này cũng luôn tìm cách đối phó, gây khó dễ cho đơn vị kiểm tra xử lý.
Một nguyên nhân khác, theo Điện lực Hà Tĩnh, đó là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương chưa mạnh, thiếu phối hợp với ngành điện trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Thậm chí, theo phản ánh, nhiều trường hợp vi phạm, ngành điện chuyển hồ sơ, song chính quyền địa phương không xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm.
Vị này lấy ví dụ thực trạng trên xảy ra tại địa bàn huyện Hương Sơn. Theo đó, khi Điện lực Hương Sơn gửi danh sách các cá nhân, tổ chức vi phạm trong sử dụng điện cho chính quyền các địa phương để xử phạt hành chính. Khi hồ sơ gửi sang, chính quyền địa phương nể nang không xử phạt, hoặc phạt cho có lệ, phạt không đủ sức răn đe.
“Chỉ mình ngành điện thôi là chưa đủ, mà chính quyền các cấp cũng phải quyết liệt hỗ trợ chúng tôi mới hi vọng chặn đứng vấn nạn gian dối trong sử dụng điện”- vị này nói.
Hà Phương