Ông Đỗ Mười coi chống lạm phát là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, quyết liệt, gian khổ
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười được ghi nhận đã có công lớn trong việc chỉ đạo, điều hành kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. Điều này được ghi nhận trong bài viết "Anh Đỗ Mười và cuộc đấu tranh kiềm chế và đẩy lùi lạm phát (1988-1989)” của tác giả Nguyễn Thượng Hòa – nguyên Quyền Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, nguyên cố vấn, chuyên gia cao cấp trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật (2012).
Ông Nguyễn Thượng Hòa kể lại rằng, thời kỳ đó, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều biện pháp quyết liệt song giá thị trường vẫn tăng mạnh, tới 300 - 400% rồi gần 500% một năm, tức là đã xấp xỉ mức siêu lạm phát. Chuyên gia của các thể chế tài chính quốc tế nói, Việt Nam phải có 3 tỷ USD để cân đối tài chính tiền tệ, nhưng nước ta khi đó không có đủ 3 tỷ đồng.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế trong nước người thì đề xuất phương án phát hành "đồng tiền nặng" được bảo đảm bằng vàng để thay thế dần đồng tiền mất giá hiện hành, người thì đưa ra thuyết "dĩ độc trị độc, lấy lạm phát để trị lạm phát".
Thế nhưng, ông Đỗ Mười cho rằng, những giải pháp này đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Làm như vậy là Nhà nước hủy bỏ đồng tiền hiện hành, khiến nhân dân mất trắng số tiền đang nắm giữ và sẽ phản đối.
Những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt
Sau khi phân tích những nguyên nhân, ông Đỗ Mười đã tập trung giải quyết 5 vấn đề mà ông cho là trực tiếp gây ra lạm phát.
Cụ thể, để tiếp tục khắc phục mất cân đối cung cầu hàng hóa, vào tháng 2/1989, ông Đỗ Mười chỉ đạo tìm mọi cách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, tạo nên một quỹ hàng hóa để ứng phó với những biến động về cung cầu hàng hóa có thể xảy ra khi thực hiện những biện pháp quyết liệt chống lạm phát.
Theo lời kể của ông Nguyễn Thượng Hoà, ông Đỗ Mười đã yêu cầu Bộ Ngoại thương xóa bỏ những quy định không hợp lý về nhập khẩu phi mậu dịch, không những cho phép mà còn khuyến khích cán bộ, chuyên gia, học sinh, sinh viên, lao động ở nước ngoài, Việt kiều khi trở về nước đem hàng về càng nhiều càng tốt, Nhà nước không đánh thuế, không thu mua.
Về xuất nhập khẩu và ngoại tệ, tháng 3/1989, Nhà nước xóa bỏ chế độ hai tỷ giá song hành: bỏ tỷ giá chính thức (lúc đó là 3.500 đồng/USD, thấp hơn gần 25% so với tỷ giá trên thị trường (4.550 đồng/USD); thực hiện một tỷ giá ngoại tệ duy nhất được vận dụng linh hoạt theo diễn biến tỷ giá được hình thành trên thị trường qua hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, ông còn thực hiện chính sách: ngân sách không trợ cấp xuất khẩu, không bù lỗ nhập khẩu; khuyến khích kiều bào ở nước ngoài gửi kiều hối về nước; chuyển từ lãi suất thực âm sang lãi suất thực dương; tổ chức lại hệ thống ngân hàng bao gồm Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý nhà nước và nhiều ngân hàng chuyên doanh hoạt động bằng vốn tự thu hút trong xã hội theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh có lãi…
Không những vậy, toàn bộ giá hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất của Nhà nước đều được nâng lên sát giá thị trường. Tiền lương được điều chỉnh lên, không những đủ bù lại tác động của việc tăng giá hàng mà còn có cải thiện một phần đời sống của họ: tiền lương tối thiểu được nâng gấp 4 lần, tổng quỹ tiền lương được tăng lên gấp 5 lần so với năm 1988.
“Những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt này khi đưa ra đã gây những phản ứng của cả các nhà kinh tế và các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, anh Mười rất thận trọng. Anh cử một đoàn cán bộ gồm: Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xuống Hải Phòng làm thí điểm. Kết quả cho thấy, việc thực hiện các biện pháp trên không gây ra những rối loạn kinh tế - xã hội như có ý kiến lo ngại. Trên cơ sở đó, anh đề nghị Hội đồng Bộ trưởng áp dụng trên phạm vi cả nước”, ông Hoà cho hay.
Kết quả là lạm phát bị chặn đứng, chỉ số giá từ tháng 5 đến tháng 7/1989 giảm so với các tháng trước, có tháng chỉ số là âm: tháng 4 giảm 1% so với tháng 3; tháng 5 giảm 2% so với tháng 4. Tiếp đó, do lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 6 và tháng 7, 8, 9, ngân hàng đã hai lần điều chỉnh lãi suất xuống cho phù hợp với chỉ số lạm phát nhưng vẫn bảo đảm người gửi tiền được hưởng lãi suất cơ bản.
Các chuyên gia kinh tế nước ngoài thời đó đã vô cùng ngạc nhiên và hết lời ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam đã dũng cảm thực hiện những cải cách cơ bản, nhất là việc xóa bỏ bao cấp gạo, việc thực hiện một tỷ giá ngoại tệ duy nhất trên cơ sở tỷ giá hình thành trên thị trường (mà họ gọi là "phá giá đồng tiền Việt Nam"), việc chuyển đổi từ lãi suất thực âm sang lãi suất thực dương mà không gây xáo trộn kinh tế, chính trị, xã hội.
Không giáo điều, máy móc
Rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh chống lạm phát, ông Đỗ Mười đã nêu lên một số điểm. Một là phải tự mình đi sâu nghiên cứu tình hình để tìm ra những chủ trương, biện pháp thích hợp, không giáo điều máy móc vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài.
Hai là, lạm phát là một tai họa lớn, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, làm đảo lộn đời sống mọi tầng lớp nhân dân, làm chậm lại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Cho nên chống lạm phát là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, quyết liệt, gian khổ.
Đã là đấu tranh cách mạng thì phải dùng những biện pháp xử lý có tính chất cách mạng. Vấn đề hàng đầu là phải động viên được đông đảo nhân dân tham gia. Muốn vậy phải có chính sách đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ, phải biết dùng lợi ích để lôi cuốn nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng tiến tới mạnh mẽ.
Việc nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 12% là một ví dụ điển hình: Trong khi chỉ số lạm phát là 7% một tháng, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12%, nhân dân thấy gửi tiền vào ngân hàng vừa bảo đảm được giá trị tiền gửi vừa có lợi thêm 5% nên đã ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng.
Một ví dụ khác: Khi Nhà nước sửa đổi chính sách đối với nhập khẩu phi mậu dịch, hàng từ nước ngoài đem về rất nhiều, hầu hết là hàng mà nhân dân trong nước rất cần như tân dược, vải vóc, đồ điện tử,... Người đem hàng về phấn khởi vì có thêm thu nhập, nhân dân cũng phấn khởi vì có hàng để mua. Số lượng kiều hối gửi về cũng tăng gấp nhiều lần. Đối với nông dân, việc nâng giá mua lúa lên sát giá thị trường khiến nông dân phấn khởi, bán gần triệu tấn lúa cho Nhà nước, nhờ đó Nhà nước không còn phải nhập khẩu gạo mà vẫn có lực lượng để bình ổn giá thị trường, ngoài ra có gạo để xuất khẩu.
Ba là, chống lạm phát phải tiến hành toàn diện, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ các biện pháp. Tùy tình hình diễn biến mà kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và phải đặt thành trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, tạo ra sự nhất trí quyết tâm cao.
Bích Diệp (lược ghi)