Theo Tổng cục thống kê, chỉ số CPI tháng 10 tăng 0,59% so với tháng 9. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2019 đến nay và cao hơn hẳn mức tăng trong 3 tháng gần nhất.
10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 10, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 1,04%.
Trong nhóm hàng ăn uống thì lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 1,57%. Chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm tăng mạnh chủ yếu do giá thịt lợn trong tháng 10 có diễn biến bật tăng trở lại do thiếu hụt nguồn cung bởi dịch cúm lợn châu Phi.
Ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm giao thông cũng tăng 0,99% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 1/10/2019 khiến chỉ số giá xăng, dầu tăng 2,22%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,53%; nhóm giáo dục tăng 0,19% trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,21% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Như vậy, so với cuối tháng 12/2018 và cùng kỳ năm 2018, chỉ số CPI cuối tháng 10 đã tăng lần lượt 2,79% và 2,24%. Còn so ở mức bình quân thì CPI bình quân 10 tháng năm 2019 đã tăng 2,48% so với năm 2018.
Với diễn biến lạm phát như trên, BVSC cho rằng nhiều khả năng lạm phát trung bình cho cả năm 2019 sẽ dao động trong khoảng 2,5- 3%, thấp hơn mục tiêu quanh 4% của Chính phủ.
Cũng theo nhóm phân tích, dù có một chút quan ngại liên quan đến rủi ro từ nhóm hàng thịt lợn nhưng các yếu tố khác như xu hướng giá hàng hóa cơ bản và triển vọng tăng trưởng toàn cầu giảm là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam duy trì lạm phát ở mặt bằng thấp (quanh 3%) trong năm 2019 và 2020.
M.C