Fica
  1. Thời sự

  2. Đầu tư

Nhiều vi phạm tại dự án nghìn tỷ của ACV ở sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ GTVT cho biết công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn nhiều hạn chế, thực tế trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung phát sinh nhiều hạng mục.

Dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được HĐTV ACV phê duyệt đầu tư năm 2014, với tổng mức đầu tư là gần 2.311 tỷ đồng.
Dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được HĐTV ACV phê duyệt đầu tư năm 2014, với tổng mức đầu tư là gần 2.311 tỷ đồng

Nguồn vốn bố trí dự án không theo phê duyệt

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.

Theo ACV báo cáo, giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, tổng công ty này đã đầu tư xây dựng 85 dự án (có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng) với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại. Trong đó có dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giai đoạn 1.

Theo Bộ GTVT, dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được HĐTV ACV phê duyệt đầu tư năm 2014, với tổng mức đầu tư là gần 2.311 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 1.523,4 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 787,5 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra nêu rõ, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án còn nhiều hạn chế, thực tế trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung phát sinh nhiều hạng mục.

Nguồn vốn bố trí dự án đầu tư không theo Quyết định đầu tư dự án được phê duyệt. Theo quyết định phê duyệt, nguồn vốn đầu tư dự án là Quỹ đầu tư phát triển của ACV và nguồn vốn thương mại, thực tế sử dụng 100% nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của ACV.

Về công tác dự toán, kết luận của Bộ GTVT cho thấy việc tnh đơn giá thép tấm, thép hình chưa phù hợp với thông báo giá địa phương. Dự toán lập năm 2016 nhưng ACV chưa áp dụng Thông tư số 01 của Bộ Xây dựng về đơn nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Một số thiết bị có nội dung đào tạo, vận hành, bảo trì… với giá trị lớn nhưng không có chi tiết đơn giá, dự toán duyệt trọn gói theo báo giá của nhà cung cấp.

Bộ đã Yêu cầu ACV rà soát hồ sơ thiết kế, dự toán duyệt, biện pháp tổ chức thi công dự án để xác định chính xác giá trị dự toán duyệt, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện.

Về công tác dự toán, theo ACV báo cáo, chủ đầu tư sẽ căn cứ theo hồ sơ nghiệm thu, nhật ký công trình, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát và giám sát của chủ đầu tư sẽ xác định khối lượng đào phá bằng máy và bằng thủ công để lập dự toán điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy việc tính đào phá bằng 100% thủ công theo Bộ GTVT là chưa phù hợp. Do vậy, yêu cầu ACV rà soát lại, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện.

“Đội” thêm nhiều chi phí

Kết luận của Bộ GTVT cũng chỉ rõ việc chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ bản gốc để đối chiếu với các thiết bị, vật tư do nhà thầu nhập khẩu như các hợp đồng; danh mục thiết bị, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá; giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất…

Về công tác thi, công nghiệm thu và hoàn công cũng đã đề xảy ra nhiều vấn đề cần được khắc phục. Như đơn giá dự thầu tính trùng khối lượng đế cống các loại, giá trị chênh lệch là gần 164 triệu đồng.

Theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, hệ vách kính bao che phần đầu hồi nhà ga T2 được tận dụng lại. Tuy nhiên, thực tế lại không được tận mà được thay thế mới hoàn toàn, làm phát sinh khoảng gần 31 tỷ đồng.

Việc thay thế mới hoàn toàn hệ vách kính này mà không đánh giá cụ thể tỷ lệ tái sử dụng hệ vách kính hiện hữu sau khi tháo ra để xem xét lắp đắt cho phần mở rộng là chưa phù hợp, gây tăng chi phí, Bộ GTVT nhận xét.

Bên cạnh đó, về hệ thống thiết bị thang máy: việc nghiệm thu giảm trừ 4% khối lượng/01 bộ thang máy cho cho công tác vật liệu dự phòng được đại diện nhà thầu và chủ đầu tư tại hiện trường thống nhất là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Theo ACV báo cáo, chủ đầu tư và nhà thầu đang tiến hành đàm phán việc cắt giảm khối lượng vật tư dự phòng và sẽ tiến hành ký phụ lục hợp đồng khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Yêu cầu ACV rà soát, thương thảo với nhà thầu ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh đơn giá hạng mục này.

Ngoài ra, kết luận cũng nêu rõ thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật ở một số hạng mục làm tăng chi phí không hợp lý. Bên cạnh đó việc nghiệm thu sai ở một số hạng mục cũng làm tăng chi phí. Tổng giá trị đề nghị xử lý là gần 4 tỷ đồng.

Để xảy ra các vấn đề nêu trêu, Bộ GTVT cho biết ACV phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án (Công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, đấu thầu, chất lượng công trình…)

Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản (JAC) chịu trách nhiệm trong công tác tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Công ty CP tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco chịu trách nhiệm trong công tác tư vấn gám sát, quản lý chất lượng công trình, ký nghiệm thu một số nội dung công việc chưa phù hợp với quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Nhà thầu thi công xây dựng (Liên danh Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình – Công ty CP Dịch vụ và kỹ thuật Cơ điện lạnh R.E.E – Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn – Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Hoà Bình) chịu trách nhiệm trong công tác dự thầu, thiết kế bản vẽ thi công, quản lý chấy lượng công trình; nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Nguyễn Khánh