Năm 2007, chiếc Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài cho tới nay.
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có phản hồi bằng thông báo khẳng định giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đại diện Vụ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải (GTVT): Thủ tướng đã giao Bộ GTVT bán tài sản này và thu hồi tiền nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cục Hàng không Việt Nam khá lúng túng trong công tác xác định giá khởi điểm do việc này chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
“Chính vì lúng túng nên Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị không bán mà điều chuyển tàu bay này cho ACV. Điều chuyển tài sản công cho ACV, theo Luật Doanh nghiệp phải báo cáo Thủ tướng. Hơn nữa, nếu điều chuyển ACV cũng phải xác định giá là bao nhiêu?” - đại diện Vụ Tài chính Bộ GTVT khẳng định.
Chiếc Boeing bị bỏ rơi ở sân bay Nội Bài từ năm 2007 tới nay
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, Chính phủ đã chỉ giao Bộ tổ chức bán đấu giá máy bay, Bộ đã giao Cục Hàng không Việt Nam có phương án xử lý. Đây là tài sản Nhà nước, để lâu không sử dụng vào mục đích cụ thể nào sẽ làm giảm giá trị tài sản.
“Cục Hàng không cần sớm nghiên cứu lại các phương án, bao gồm cả việc giao tài sản cho các đơn vị có nhu cầu, bao gồm các cơ quan nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam hoặc đấu giá. - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng lưu ý Cục Hàng không, trong trường hợp giao tài sản, cần phải làm rõ nếu giao, mục đích sử dụng là gì, máy bay để đâu, phương án vận chuyển và chi phí như thế nào…
Giải thích về việc định giá máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Lần đầu tiên Cục thuê định giá máy, tổ chức chức định giá sau khi làm việc đã “bỏ của chạy lấy người” vì không thể xác định được giá máy bay. Năm 2018, Cục Hàng không tiếp tục thuê một tổ chức định giá khác, một con số mà đơn vị thẩm định trao đổi không chính thức là 1,7 tỷ đồng. Hiện tại, Cục Hàng không không thể đưa ra được mức giá khởi điểm để tiến hành đấu giá.
“Nếu tài sản là một máy bay đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác, chúng tôi có thể tham khảo ý kiến của hãng hàng không, các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.
Tuy nhiên, tài sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự.” - lãnh đạo Cục Hàng không cho biết không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra.
Cục Hàng không thông tin, đã có nhiều đơn vị trong và ngoài ngành ngỏ ý muốn sử dụng chiếc máy bay này, thậm chí đề xuất “đổi trác” lấy bánh kẹo, rượu bia… Tuy nhiên, thay vì đấu giá, cơ quan này nghiêng về phương án giao cho ACV - đơn vị đã bỏ công bỏ của ra “trông coi” chiếc máy bay suốt 12 năm qua.
“Hàng năm, ngành hàng không đều phải thuê làm mô hình máy bay để tổ chức diễn tập an ninh, an toàn cho các lực lượng của ngành hàng không tại cảng hàng không - sân bay. Tiền chi để làm mô hình diễn tập này lên tới 400 - 500 triệu đồng/đợt, nhưng làm xong lại không tái sử dụng được” - lãnh đạo Cục Hàng không nói và cho rằng việc giao ACV để làm phương tiện huấn luyện, diễn tập hàng năm có ý nghĩa rất lớn.
Về phía ACV, đơn vị này mong muốn được nhận chiếc máy bay Boeing để phục vụ hoạt động ngành. ACV khẳng định trường hợp nhà chức trách không thể giao “miễn phí” thì ACV cũng sẵn sàng tham gia đấu giá, tuy nhiên ACV từ chối công bố mức giá cụ thể cho chiếc máy bay.
Châu Như Quỳnh