Fica
  1. Thời sự

  2. Chính sách

Lương tối thiểu và đời sống công nhân

Đến hẹn lại lên, Hội đồng Tiền lương quốc gia đang thảo luận về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Trên khắp các khu công nghiệp, nhà xưởng từ Thái Nguyên cho đến Quảng Nam, Bình Dương, hàng chục triệu người làm công ăn lương và giới chủ đang chờ đợi khuyến nghị của hội đồng này, khi Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đề xuất tăng ít nhất 8%, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị giữ nguyên.

Mức lương tối thiểu được nâng lên không có nghĩa tất cả người lao động được hưởng lợi. Trong ảnh: Một khu chợ tự phát tại khu công nghiệp. Ảnh: THÀNH HOA

Mỗi bên đều có cái lý của mình. Theo báo cáo mới công bố của LĐLĐ, mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 93% mức sống tối thiểu. Và chiếu theo Nghị quyết 27 - NQ/TW mới được ban hành, chỉ còn hai năm để tăng đúng với yêu cầu đến năm 2020 lương tối thiểu vùng đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.

Nhưng cũng chiếu theo Nghị quyết 27 nói trên, tinh thần cải cách tiền lương sẽ là Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Lương tối thiểu là một trong những can thiệp mạnh nhất vào hệ thống quản trị nhân lực của doanh nghiệp.

Mục đích cuối cùng của lương tối thiểu chính là cung cấp hệ thống phúc lợi xã hội phù hợp và đầy đủ hơn cho người lao động. Nếu nhìn vào đích đến đó, ngoài lương tối thiểu, Nhà nước cũng có thể mang lại những hình thức hỗ trợ khác như nhà ở xã hội, trường học, hay bệnh viện gần các khu công nghiệp.

Với những người lao động, tất nhiên ai cũng muốn được tăng lương. Nhưng mức lương tối thiểu được nâng lên không có nghĩa tất cả người lao động được hưởng lợi. Tỷ lệ không trọng số người làm công ăn lương có mức lương thấp hơn hoặc bằng với lương tối thiểu thấp nhất (vùng IV, mức 2,76 triệu/tháng), theo tính toán của người viết từ Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) 2016, là khoảng 20%. Tất nhiên, nếu tính toán chi tiết hơn, con số này sẽ cao hơn, bởi lương tối thiểu quy định theo từng vùng với mức sống khác nhau. Nhưng nó cũng ít nhiều cho thấy sự chia rẽ về quyền lợi của người lao động khi điều chỉnh lương tối thiểu.

Những ai có mức lương cao hơn lương tối thiểu, mức thu nhập thực tế của họ thậm chí còn có thể giảm đi. Lý do là khi đó lương của họ giữ nguyên, trong khi mức đóng phí bảo hiểm xã hội tăng lên (do phần lớn doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm).

Với 20% những người làm công ăn lương có mức lương dưới mức lương tối thiểu thấp nhất, con đường để họ có thêm thu nhập là không dễ dàng, bởi ngay cả với các doanh nghiệp, vi phạm quy định về lương tối thiểu vẫn còn và chưa được xử lý rốt ráo. Khi quỹ lương tăng, để cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ loại bỏ bớt lao động. Những công nhân làm việc ở mức ngấp nghé lương tối thiểu sẽ có nguy cơ bị thải loại cao nhất.

Khi đó, họ sẽ phải gia nhập đội quân lao động phi chính thức, những người làm việc không có hợp đồng hoặc không được hưởng chế độ bảo hiểm, lên đến gần 18 triệu người, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào năm ngoái. Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi của những lao động này?

Với doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (năm 2017) cho thấy lương tối thiểu tăng tác động tiêu cực đến tỷ lệ lợi nhuận, đặc biệt là cho các doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, tăng lương tối thiểu liên tục có thể làm giảm tốc độ tích tụ vốn và tăng trưởng của khu vực tư nhân. Lương tối thiểu cũng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, hơn là các doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ. Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, tất yếu lúc đó tăng trưởng cũng sẽ bị tác động theo.

Không khó hiểu vì sao quy định về mức lương tối thiểu vẫn gây ra rất nhiều chia rẽ, từ những nhà làm luật, tổ chức công đoàn, cho đến doanh nghiệp, giới nghiên cứu, và giới vận động chính sách. Trên thế giới, đến 90% các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) (169/187) có mức lương tối thiểu, nhưng vẫn luôn có tranh cãi không ngừng về tính hiệu quả của nó. Ở Việt Nam, mặc dù tăng nhanh, tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Trong giai đoạn 2010-2011, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, mức lương tối thiểu vùng chỉ đáp ứng khoảng 47% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Đến năm 2015, nhờ vào tốc độ tăng nhanh của tiền lương tối thiểu, mức đáp ứng này đã tăng và đạt 80%. Và hiện tại, con số này theo báo cáo của LĐLĐ, là 93%.

Mức lương tối thiểu đảm bảo tính nhân văn của bộ máy nhà nước, là công cụ nhằm sửa chữa những khiếm khuyết của thị trường lao động, đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi mức lương tối thiểu được xác định không chính xác, các quy định về lương tối thiểu có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là với lao động có trình độ và chuyên môn thấp, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vì thế, câu chuyện về lương tối thiểu, như Sơn Tinh - Thủy Tinh, có lẽ sẽ không có hồi kết. Nhưng cần lưu ý rằng, mục đích cuối cùng của lương tối thiểu chính là cung cấp hệ thống phúc lợi xã hội phù hợp và đầy đủ hơn cho người lao động.

Nếu nhìn vào đích đến đó, ngoài lương tối thiểu, Nhà nước cũng có thể mang lại những hình thức hỗ trợ khác như nhà ở xã hội, trường học, hay bệnh viện gần các khu công nghiệp. Điều này không chỉ giúp người lao động giảm được gánh nặng chi tiêu mà còn giúp họ giảm nỗi lo, tập trung trong công việc, gián tiếp nâng cao năng suất lao động. Chính sách kể trên cũng sẽ tạo ổn định về mặt an ninh ở các khu công nghiệp. Theo báo cáo của LĐLĐ, trong sáu tháng đầu năm 2018, đã có 131 cuộc đình công trên cả nước, phần lớn đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (103 cuộc) và các ngành có thu nhập không cao như dệt may, da giày.

Khi chỉ tranh cãi với nhau về mức lương, chúng ta sẽ dễ quên rằng cuộc sống của người lao động còn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều thứ khác. Những thứ có thể thực hiện ngay mà không cần phải tranh cãi. 

Theo Nguyễn Khắc Giang

TBKTSG