Fica
  1. Thời sự

Lộ diện mức thưởng Tết khủng với gần 900 triệu đồng

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Một số địa phương đã có báo cáo về tình hình thưởng Tết của doanh nghiệp năm 2023. Tính đến hôm 20/12, Bình Dương là địa phương dẫn đầu về mức thưởng Tết với gần 900 triệu đồng.

Bình Dương thưởng Tết cao nhất 896 triệu đồng

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương, hiện đã có 1.125 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết năm 2023. 

Dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch 2023 bình quân của các doanh nghiệp là 1,1 triệu đồng, trong đó mức thưởng cao nhất là 38 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu công bố thưởng Tết (Ảnh: Mạnh Quân)

Với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, mức thưởng Tết bình quân là 6,1 triệu đồng, mức thấp nhất là 4,68 triệu đồng, cao nhất là 896 triệu đồng thuộc về một công ty gỗ.

Tại khu vực miền Nam, ngoài Bình Dương, Đồng Tháp và Hậu Giang cũng đã có báo cáo về tình hình thưởng Tết. 

Theo đó, tỉnh Hậu Giang có mức thưởng Tết cao nhất là hơn 146 triệu đồng, mức thưởng bình quân dịp Tết Dương lịch 2023 là hơn 5 triệu đồng, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão là 11,89 triệu đồng. Tỉnh Đồng Tháp có mức thưởng Tết cao nhất là 120 triệu đồng.

Thanh Hóa: Thưởng Tết Dương lịch cao nhất hơn 110 triệu, thưởng Tết Nguyên đán 360 triệu đồng 

Tại Thanh Hóa, mức thưởng Tết cao nhất do Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa thống kê là gần 360 triệu đồng. 

Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2023 cao nhất là hơn 110 triệu đồng của một doanh nghiệp dân doanh và mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão cao nhất là 359,3 triệu đồng của một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thống kê tình hình thưởng Tết, theo đó tính đến giữa tháng 12/2022, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão. 

Mức thưởng Tết bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 4,6 triệu đồng/người, trong đó 1 doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng.

Ở thành phố Cần Thơ có 124 doanh nghiệp dự kiến thưởng, 562 doanh nghiệp chưa có dự kiến thưởng. Theo dự kiến, mức thưởng cao nhất là 69 triệu đồng/người, mức bình quân 1,375 triệu đồng và mức thấp nhất là 200.000 đồng.

Về thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, có 578 doanh nghiệp dự kiến thưởng, 108 doanh nghiệp chưa có dự kiến thưởng. Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất dự kiến là 137.965.000 đồng/người, mức bình quân là 7.758.000 đồng và mức thưởng thấp nhất 300.000 đồng.

TPHCM thưởng Tết cao nhất 759 triệu đồng/người

Mức thưởng Tết Nguyên đán 2023 cao nhất ở TPHCM là 759,86 triệu đồng/người và thấp nhất là hơn 4 triệu đồng. Còn với Tết Dương lịch, mức cao nhất là 606,23 triệu đồng/người và thấp nhất là 700.000 đồng. Cả hai mức thưởng cao nhất đều thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Qua tổng hợp cho thấy, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; tài chính - ngân hàng; thương mại; chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, nhựa, ... Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Đối với Tết Dương lịch, tiền thưởng bình quân là 3,14 triệu đồng/người, thấp hơn 7,37% so với kết quả khảo sát của năm 2022 (3,39 triệu đồng/người).

Tết Nguyên đán, tiền thưởng bình quân là 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với năm trước (8,88 triệu đồng/người).

Trong 1.078 doanh nghiệp gửi báo cáo, có 386 doanh nghiệp (chiếm 35,81%) cho biết, gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động.

Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao lãnh đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.

Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Đồng thời phải có các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.

Nguyễn Khánh