Đó là kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có nội dung quản lý xe sử dụng hợp đồng điện tử tiêu biểu là Grab.
Theo kiến nghị của Bộ GTVT, xe grab sẽ phải gắn mào như xe taxi truyền thống (ảnh: Internet)
Bộ GTVT cho biết, quá trình xây dựng dự thảo đã nhận được ý kiến từ nhiều cơ quan theo 2 luồng ý kiến:
Luồng ý kiến thứ nhất do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội taxi 3 miền đề nghị hoạt động của Grab (xe dưới 9 chỗ thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi và không thể gọi đó là loại hình “hợp đồng điện tử” vì không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, toàn bộ ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.
Luồng ý kiến thứ 2 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và một số chuyên gia kinh tế đề nghị xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo “hợp đồng vận tải điện tử”, “taxi điện tử” và cần bỏ một số quy định như thông báo danh sách hành khách về sở GTVT, bỏ quy định mỗi chuyến xe chỉ có 1 hợp đồng, bỏ quy định doanh nghiệp, HTX vận tải hợp đồng điện tử phải có bộ phận ATGT.
Theo quan điểm của Bộ GTVT, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử, sử dụng hợp đồng vận tải điện tử, so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh như nhau. Do đó, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến thứ nhất.
Bộ GTVT nhấn mạnh, trong trường hợp quy định này được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “xe TAXI”, niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe, đặc biệ là phải gắn hộp đèn trên nóc như taxi truyền thống. Các xe Grab cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi...
Nhiều ý kiến cho rằng, xe Grab giống taxi vì đều có mục đích kinh doanh vận tải, do đó cần phải gắn logo, gắn mào taxi điện tử cho xe Grab để phân biệt với các xe tư nhân.
Bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là "kinh tế chia sẻ", giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Song hiện nay nhiều người đầu tư xe hợp đồng điện tử để kinh doanh như taxi, họ kinh doanh chuyên nghiệp.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, xe Grab bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng hoặc gắn biển màu vàng để phân biệt với xe gia đình, các cơ quan chức năng dễ quản lý.
C.N.Q