Fica
  1. Thời sự

Kịch bản nào “vực dậy” nền kinh tế Việt Nam sau “siêu bão” Covid-19?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, dịch Covid-19 gây ra thiệt hại lớn nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế biết tận dụng việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu.

Vấn đề nói trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu lên tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, sáng nay (10/4).

Những giải pháp cấp bách

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch, đồng thời phác thảo kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Kịch bản nào “vực dậy” nền kinh tế Việt Nam sau “siêu bão” Covid-19? - 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Báo Đầu tư)

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật... theo đúng quy định.

Nghị quyết nhấn mạnh các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý II/2020...

Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công cần đẩy nhanh tiến độ, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.

Nghị quyết nhấn mạnh có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thẩm quyền giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020, bao gồm cả vốn nước ngoài giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi tổng số vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả điều chỉnh trong tháng 3/2021…

Kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế

Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Kịch bản nào “vực dậy” nền kinh tế Việt Nam sau “siêu bão” Covid-19? - 2

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 10/4 (ảnh: VGP)

Trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn trong việc củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất ước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...                                                                                     

Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.

“Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Châu Như Quỳnh