Phiên thảo luận Tầm nhìn mới khu vực Mekong.
Trong phiên thảo luận “Tầm nhìn mới khu vực Mekong” diễn ra vào chiều 12/9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN), tại Hà Nội, 5 nhà lãnh đạo của các quốc gia Mekong thảo luận về tương lai của khu vực Mekong.
Hiện khu vực Mekong gồm 5 quốc gia, có dân số là 240 triệu người. Nếu Mekong là một nước, đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 6 thế giới. GDP của 5 quốc gia cộng lại là 800 tỷ USD. Nếu là một nền kinh tế, Mekong sẽ nằm trong nhóm G20 và lớn thứ 19 trên thế giới. Nếu tính tổng giá trị xuất khẩu của 5 nước là 466 tỷ USD. Nếu Mekong là một quốc gia thì đây sẽ là nước xuất khẩu thứ 9 trên thế giới.
Những con số trên cho thấy, rõ ràng khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các nước Mekong chưa nhất thể hóa, chưa đạt được toàn bộ tiềm năng nếu hội nhập. Xuất khẩu của các nước này với nhau thì chỉ chiếm 8%, tức là 92% là xuất khẩu ra ngoài khối. Nếu so với châu Âu thì 70% của châu Âu là xuất khẩu sang nhau. Nếu xét về đầu tư nước ngoài thì chỉ có 4% từ các nước Mekong khác đầu tư vào.
"Sản phẩm chung không khiến các quốc gia cạnh tranh"
Thảo luận về cách thức xây dựng khu vực thống nhất hơn, liên kết hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN là một khối thống nhất trong đa dạng, và 5 nước Mekong cũng thể hiện rõ nét về thống nhất trong đa dạng. Do xuất phát điểm và lịch sử phát triển khác nhau nhưng tầm nhìn chung là hòa bình, ổn định, hội nhập.
"Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, vấn đề kết nối và phát triển bền vững là rất quan trọng trong định hướng phát triển của khối. Chúng tôi mong muốn và hiểu rằng lợi ích chung của các nước Mekong, của cộng đồng doanh nghiệp, của tầm nhìn này sẽ đóng góp vào xây dựng cộng đồng ASEAN. 5 nước hơn ai hết là củng cố hòa bình, ổn định, phát triển khu vực sông Mekong và khu vực ASEAN", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng cho rằng ASEAN có khởi đầu phát triển khác nhau khi cộng đồng tiểu vùng Mekong hình thành. Các quốc gia có điều kiện khác nhau. Nếu bàn về kinh tế, 5 quốc gia đều có sản phẩm chung, điều đó không có nghĩa sản phẩm chung đó khiến các quốc gia cạnh tranh mà các quốc gia thực chất bổ trợ cho nhau.
"Nếu xem xét về thương mại giữa Campuchia và Việt Nam, Campuchia và Thái Lan thì có thể thấy chúng ta là các quốc gia bổ trợ cho nhau mặc dù xuất khẩu các mặt hàng giống nhau. Nếu chúng ta có thể thiết lập 1 khối xuất khẩu gạo trong ASEAN, chúng ta không phải là các quốc gia cạnh tranh mà hợp tác cùng nhau để có thể hợp tác để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp, vốn là xương sống của ASEAN", ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Lào cùng cho rằng các quốc gia Mekong có thể hỗ trợ và giải quyết các thách thức cùng nhau và các nước đã thực hiện quá trình hợp tác này nhiều năm rồi.
“Quan điểm của tôi là 5 quốc gia sông Mekong là những người bạn tốt, trân quý lẫn nhau. Các quốc gia chia sẻ mối quan tâm chung. Việc thiết lập các cơ chế khác nhau như ACMECS, Mekong - Lan Thương, GMS được thực hiện nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Tôi nghĩ các quốc gia cần hợp tác hơn nữa", ông nói.
"Chúng ta không sợ cạnh tranh"
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thì cho rằng, cạnh tranh là điều tốt nhưng không nên cạnh tranh với nhau mà hỗ trợ nhau để cùng nhau phát triển.
"Chúng ta có các vấn đề chung như thách thức, biến đổi khí hậu, có sự bổ trợ và hợp tác với nhau. Chúng tôi đang cân nhắc mua điện của Lào, xuất khẩu gas sang Thái Lan. Chúng ta không sợ cạnh tranh, Myanmar từng đứng đầu xuất khẩu gạo, sau đó bị Thái Lan và Việt Nam tiếm ngôi. Nhưng sự cạnh tranh không ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của các quốc gia trong khu vực", ông Thongloun Sisoulith nói.
Ông Thongloun Sisoulith cũng khẳng định, một thị trường có sự co giãn, đa dạng nên không sợ sự cạnh tranh. "Gạo khác nhau và khách hàng khác nhau nên không cần lo ngại về xuất khẩu gạo. Nếu cho rằng các di sản văn hóa chung thì cũng nên đưa vào khai thác thương mại. Chúng tôi có thể tổ chức các tour du lịch chung tới các nước trong khu vực", ông nêu quan điểm.
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cho rằng các quốc gia sông Mekong rất nhiều cơ hội để hợp tác, bổ trợ nhau mà không sợ phải cạnh tranh. Bà cũng nhắc lại, gạo trước đây Myanmar là vựa lúa của khu vực, sau đó Việt Nam và Thái Lan vượt lên.
“Chúng ta không nên e sợ sự cạnh tranh. Nếu tận dụng được các cơ hội từ thị trường co giãn đem lại. Gạo của các nước cũng khác nhau, đặc tính của khách hàng cũng khác nhau. Do đó, chúng ta có thể đưa vào khai thác thương mại", bà nói.
Bà Suu Kyi nhận định, các nước Mekong có thể hợp tác không những về kinh tế, thương mại mà có thể biến khu vực thành mô hình bổ trợ lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, thậm chí biến thành khu vực cạnh tranh lành mạnh để cùng vươn lên. “Chúng ta không cần lo lắng về cạnh tranh, như lúa gạo cạnh tranh bị thổi phồng quá đáng”, bà nói.
Cố vấn nhà nước Myanmar nhận định, biến đổi khí hậu có thể khiến các nước liên kết chặt chẽ hơn để giải quyết những thách thức chung.
Phó Thủ tướng Thái Lan cho rằng Mekong mang lại tài nguyên tươi đẹp, nguồn nước cho cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Vì thế, các nước Mekong cần hợp tác để sử dụng các tài nguyên bền vững, cần hợp tác để phát triển để tạo thành miền đất chung của ASEAN.
Phương Dung