Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu, lương thực; bình ổn thị trường, giá cả; bảo đảm Tết an toàn, tiết kiệm…là những chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022.
Nghị quyết yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả. Chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.
Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...; các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán 2023, đồng thời bảo đảm đầy đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.
Tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa diễn ra tại Bộ Công thương với đại diện các Bộ ngành liên quan và doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường, đã có kế hoạch nhập khẩu bổ sung, nguồn hàng cơ bản đáp ứng, đảm bảo cung cấp thông suốt phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong dịp Tết.
Đối với công tác dự trữ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2023 tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước,tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa Tết 2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10% so với năm ngoái, tuy hiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Theo Thế Hải
Báo Đầu Tư