Fica
  1. Thời sự

Hơn 1.000 doanh nghiệp, 80 start-up tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9 với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt trong đó có khoảng 80 công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á.

80 start-up tham gia được chọn lọc từ gần 300 doanh nghiệp sẽ tham gia WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 11-13/9.

80 start-up tham gia được chọn lọc từ gần 300 doanh nghiệp sẽ tham gia WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 11-13/9.

Chia sẻ tại buổi họp báo trước thêm Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) diễn ra tại Việt Nam lần này, ông Justin Wood - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WEF cho biết, 80 start-up tham gia được chọn lọc từ gần 300 doanh nghiệp đăng ký tham dự, bởi một hội đồng gồm các nhà hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, chuyên gia công nghệ và hãng truyền thông hàng đầu.

Các lĩnh vực kinh doanh của start-up thuộc nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe. Các sản phẩm và dịch vụ mà họ đang phát triển từ các loại phân bón thông minh làm giảm phát thải nitơ oxit (khí thải từ nhà kính) tới bitcoin tương thích, các lựa chọn chăm sóc sức khỏe mới cho người cao tuổi.

Trong số 80 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội lần này có sự xuất hiện của 3 doanh nghiệp start-up Việt.

Singapore là quốc gia có số lượng start-up tham gia nhiều nhất với 21 doanh nghiệp, tiếp đó là Indonesia với 19 doanh nghiệp, Philippines và Malaysia đều có 8 doanh nghiệp. Campuchia cũng có 4 đại diện được mời tham dự diễn đàn trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đều chỉ có 1 đại diện.

“Chúng tôi kỳ vọng các công ty này có đóng góp quan trọng trong việc định hình các cuộc tranh luận tại diễn đàn, về tác động của các công nghệ mới và mô hình kinh doanh đột phá, về việc làm thế nào nâng cấp hệ sinh thái sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp”, ông Justin Wood nhận xét.

Ông cũng cho rằng, về phía các startup cũng sẽ hưởng lợi khi tiếp cận với 1.000 đại biểu tham dự diễn đàn, trong đó có 90 bộ trưởng các nước và hàng nghìn lãnh đạo công ty danh tiếng trên thế giới.

WEF ASEAN 2018 là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018. Theo dự tính, Hội nghị sẽ có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN và thế giới cùng hàng trăm phóng viên báo chí quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: "Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với WEF để tổ chức WEF ASEAN. Ngay từ phần xác định chủ đề, Việt Nam cũng đã tính đến chủ đề của năm ASEAN 2018 là Tự cường và sáng tạo, và chọn chủ đề cho Hội nghị là 'ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0'"

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất sâu. ASEAN đang bước vào thời kỳ xây dựng cộng đồng vững mạnh, thịnh vượng và phát triển. Khu vực chúng ta đang đứng trước thời cơ và cũng có thể nói là thách thức bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

"Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu rộng ở khu vực và quốc tế, cùng với ASEAN để xây dựng cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – tổ chức tư nhân đầu tiên mà chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ đưa ra những khuyến nghị chính sách để Việt Nam tự cường trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chủ đề của Hội nghị cũng đã cho thấy Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào việc giữ gìn, xây dựng cộng đồng chung ASEAN cũng như chuẩn bị tốt nhất cho mình trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đăng cai tổ chức Hội nghị cũng thể hiện và chứng tỏ mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp có trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và đồng thời cũng học hỏi từ cộng đồng quốc tế để phát triển tốt nhất trong CMCN 4.0.

Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ cho hình ảnh của một khu vực ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và xây dựng cộng đồng vững mạnh trong thời gian tới, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực. Việt Nam cũng có thể quảng bá hình ảnh của một đất nước rất năng động, phát triển và tự cường trước CMCN 4.0.

Đây cũng được coi là cơ hội tuyệt với cho các nhà lãnh đạo, giới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của Việt Nam, hiểu sâu và chia sẻ được kinh nghiệm với bạn bè khu vực và thế giới.

Phương Dung